Nhận định chung
Ngạt mũi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất, không chỉ trong các bệnh mũi xoang mà trong nhiều trường hợp, đây chỉ là rối loạn cơ năng thông thường. Ngạt mũi có thể gặp ở một hoặc hai hốc mũi, có thể thay đổi từng lúc, từng thời kỳ, có thể chỉ ở mức độ nhẹ gây khó chịu nhưng cũng có thể tới mức độ nặng gây thiếu oxy, ngạt thở (chủ yếu ở hài nhi), có thể đơn thuần nhưng thường kèm theo đau vùng mặt, chảy mũi, giảm ngửi, hắt hơi…
Trẻ sơ sinh
Dị tật bẩm sinh: tịt lỗ mũi sau cả hai bên, ngạt mũi xuất hiện ngay sau khi sinh.
Viêm mũi do lậu cầu (mẹ gây nhiễm cho con), thường xuất hiện sau khi sinh 24 – 48 giờ.
Hài nhi
Dị tật bẩm sinh: tịt lỗ mũi sau một hoặc hai bên không hoàn toàn.
V.A quá phát: gây ngạt mũi thường xuyên, tăng lên trong những đợt viêm nhiễm cấp tính.
Viêm mũi họng cấp tính.
Trẻ em
V.A quá phát rất thường gặp, ngạt mũi tăng rõ khi có tình trạng viêm nhiễm cấp tính.
Viêm mũi xoang cấp và mạn tính, thường kèm theo chảy mũi dịch nhầy hay dịch mủ.
Dị vật: thường ngạt mũi đột ngột một bên, sau đó xuất hiện chảy mũi, dịch mủ thối một bên.
Trẻ lớn và người lớn
Viêm mũi cấp và mạn tính
Viêm mũi quá phát gây ngạt mũi liên tục.
Viêm mũi dị ứng: từng đợt theo mùa, có yếu tố dị nguyên.
Viêm mũi vận mạch: từng lúc, thay đổi từng bên mũi.
Viêm xoang cấp và mạn tính
Ngạt mũi liên tục khi có thoái cuốn mũi, đặc biệt là cuốn mũi giữa.
Dị hình vách ngăn mũi
Lệch vẹo, gai, mào vách ngăn mũi.
Chấn thương mũi
Sập, lệch sống mũi, di chứng sẹo dính giữa cuốn mũi giữa và vách ngăn…
Khối u
U lành tính: u xơ vòm mũi họng, polyp mũi.
U ác tính: ung thư sàng hàm, ung thư vòm mũi họng…
Phác đồ điều trị ngạt mũi
Điều trị chung
Làm thông thoáng hốc mũi: rửa mũi bằng natriclorid 0,9%, hút dịch mũi, xì nhẹ từng bên mũi.
Rỏ mũi bằng các thuốc gây co mạch: ephedrin1- 3%, naphtazolin 0,5-1% (không dùng cho trẻ sơ sinh), trong trường hợp này có thể thay thế bằng adrenalin 0,1% pha loãng.
Xông hơi: hơi nước ấm có pha dầu thơm.
Khí dung: kháng sinh, corticoid, thuốc co mạch.
Điều trị nội khoa
Điều trị các nguyên nhân do viêm nhiễm mũi xoang, mũi họng:
Thuốc hạ nhiệt sử dụng khi có sốt cao, kéo dài.
Sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và phòng bội nhiễm.
Thuốc chống dị ứng trong trường hợp viêm mũi dị ứng.
Chống viêm, giảm phù nề: dùng corticoid giảm liều dần hoặc alphachymotrypsin…
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: vitamin C, các thuốc tăng sức đề kháng…
Điều trị ngoại khoa
Tiêm các thuốc gây xơ vào cuốn mũi như: tiêm corticoid…
Nạo V.A: trong trường hợp viêm quá phát che kín cửa mũi sau.
Tạo hình lại các dị hình: sẹo hẹp, tịt lỗ mũi sau, dị hình vách ngăn…
Cuốn mũi thoái hóa: có thể đốt bằng điện nhiệt, nitơ lỏng hoặc laser… Khi cần thiết có thể cắt cuốn mũi hoặc đốt cuốn mũi qua nội soi mũi.
Lấy bỏ dị vật hốc mũi và phẫu thuật lấy bỏ các khối u và polyp (bằng phẫu thuật kinh điển hoặc nội soi).
Cắt bỏ dây thần kinh Vidien (vi phẫu hoặc nội soi vùng hố chân bướm hàm).