ÍCH MẪU
Ở nước ta hiện nay có 2 loài ích mẫu: Leonurus artemisia (Lour.) S.Y. Hu (=Leonurus heterophyllus Sweet) và L. sibiricus L., họ Hoa môi – Lamiaceae.
Đặc điểm thực vật
Leonurus artemisia (Lour.) S.Y. Hu: Cây thảo, sống hàng năm hay 2 năm, thường cao 0,5 -1m. Thân vuông mọc đứng có nhiều rãnh dọc và lông mịn, ruột xốp. Lá mọc đối, lá gốc gần như tròn, có răng cưa nông, hai mặt đều có lông mềm như nhung, lá ở giữa đài, xẻ sâu thành thùy hẹp, không đều, các thùy có răng cưa nhọn; lá ở ngọn ngắn, ít xẻ hoặc nguyên. Cụm hoa mọc thành vòng dày đặc ở kẽ lá đường kính 2 – 2,5 cm; lá bắc hình giùi ngắn hơn đài, đài hoa dài  5 – 6 mm hình chuông, có 5 răng nhọn, có lông, tràng hoa dài 1 cm hay hơn có màu trắng hồng hay tím hồng, mặt ngoài có lông, môi trên hình trứng, hơi cong, môi dưới dài bằng môi trên nhưng hơi hẹp hơn, chia 3 thùy, thùy dưới rộng, nhị 4, dính vào giữa ống tràng. Quả bế 3 cạnh, nhẵn, khi chín có màu nâu sẫm. Mùa hoa: hoa vào tháng 3 – 5; mùa quả vào tháng 6 – 7.
Leonurus sibiricus L.: Loài này có đặc điểm khác loài trên là: Cây nhỏ hơn, cao khoảng 0,2 – 0,8 m, phiến lá giữa xẻ rất sâu, sát tận gân lá, lá ở ngọn xẻ 3 thùy, thùy giữa lại xẻ 3 thùy nữa. Cụm hoa có đường kính 3 – 3,5 cm, hoa có môi dưới ngắn bằng ¾ môi trên.
Phân bố, trồng trọt và thu hái
Ở Việt Nam, cây ích mẫu mọc hoang trên những vùng đất ẩm ở bãi sông, phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng và Trung du Bắc Bộ. Ở vùng núi thấp cũng có ích mẫu nhưng ở độ cao khoảng 1500m ở trên gần như không gặp cây mọc tự nhiên.
Trồng bằng cách gieo hạt vào tháng 10 trên những luống rộng 1m cao 20 – 25 cm. Mật độ 25 x 30 cm một cây. Ích mẫu ưa sáng và ưa ẩm, cây sinh trưởng nhanh trong mùa hè và lụi vào khoảng giữa mùa thu. Cây có khả năng tái sinh chồi mạnh khi cây bị cắt sát gốc.
Ích mẫu được thu hoạch vào mùa hè khi hoa chớm nở, cắt cây về rũ sạch đất cát, phơi hay sấy khô.
Quả (sung úy tử) thu hái vào mùa thu khi quả chín, cắt cả cây, phơi khô, đập và rũ lấy quả (thường gọi là hạt). Quả màu nâu bóng, dài 1 – 2 mm.
Bộ phận dùng, thành phần hóa học
Dùng phần trên mặt đất có nhiều lá (Herba Leonuri) (ích mẫu thảo) và quả ích mẫu (Fructus Leonuri) (thường gọi là hạt = sung úy tử).
Trong lá cây ích mẫu Leonurus sibiricus L. có chứa alcaloid (leonurinin, leonuridin, leonurin), tanin, chất đắng, saponin, flavonoid (rutin), tinh dầu (vết); Loài Leonurus artemisia (Lour.) S.Y. Hu có stachydrin. Theo Viện dược liệu, ích mẫu có 3 alcaloid (trong đó có alcaloid có N bậc IV), 3 flavonoid (trong đó có rutin) một glycosid có khung steroid.

Tác dụng và công dụng

– Leonurin có tác dụng tăng cường trương lực và tần số co bóp tử cung thỏ cô lập. Với dung dịch leonurin 1% tiêm tĩnh mạch mèo có tác dụng tăng tần số và biên độ hô hấp, tác dụng này là do thuốc kích thích trực tiếp trung tâm hô hấp gây nên chứ không phải gián tiếp phản xạ qua dây thần kinh phế vị. Leonurin với liều 1mg/kg tiêm tĩnh mạch thỏ làm tăng gấp đôi lượng nước tiểu bài tiết sau vài phút.
– Cao lỏng ích mẫu (L. sibiricus) có tác dụng tăng co bóp và trương lực cơ tử cung cô lập của chuột lang, thỏ và chó, có tác dụng an thần, kháng khuẩn.
– Nước sắc ích mẫu (Leonurus heterophyllus Sweet) có tác dụng gây hưng phấn với nồng độ 1,4% và với nồng độ trên 5,6% lại gây ức chế co bóp tử cung thỏ. Ngoài ra còn có tác dụng gây sẩy thai. Nước sắc ích mẫu có tác dụng phục hồi hoạt động co bóp của tim ếch đã bị gây rối loạn co bóp, nhưng không có tác dụng đặc hiệu đối với huyết áp mèo và thỏ, chỉ gây ức chế nhẹ và nhất thời. Với nồng độ 0,7% có tác dụng kích thích ruột thỏ cô lập, còn với nồng độ cao trên 2,1% lại ức chế hoạt động này.
Ích mẫu đã được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa bệnh từ lâu nhất là đối với phụ nữ sau khi đẻ, chữa rong huyết, tử cung co hồi không tốt, rối loạn kinh nguyệt, khí hư bạch đới quá nhiều. Ngoài ra, ích mẫu còn được dùng chữa bệnh cao huyết áp, viêm thận và làm thuốc bổ huyết.
Quả ích mẫu dùng làm thuốc thông tiểu tiện chữa phù thũng, suy thận, mắt mờ. Liều dùng hàng ngày: 10-12g ích mẫu thảo dưới dạng thuốc sắc hoặc cao: 6-12g quả ích mẫu sắc uống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng