Sâm Ngọc Linh giả đang tấn công sâm Ngọc Linh thật khi hiện nay tỉnh Kon Tum đang thực hiện dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh (pháp danh Panax vietnamensis) không chỉ là vấn đề đặt ra cho tỉnh Kon Tum…
Nghe chuyên gia nói chuyện sâm thật, sâm giả
Trong chuyến đoàn công tác của Bộ Y tế vào tìm hiểu dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, tôi có may mắn gặp thạc sĩ Lê Thanh Sơn-cán bộ Viện Dược liệu-chuyên gia chuyên nghiên cứu giống cây thuốc Việt Nam-người trước đây đã từng có nhiều năm thực hiện dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Theo xác định ban đầu, ông Sơn cho biết có 3 loại được gọi là sâm Ngọc Linh giả đang lưu hành tại Kon Tum là sâm vũ diệp, tam thất hoang và loại thứ ba chưa rõ tên thường gọi là sâm “Ngọc Linh đá”.
Củ sâm giả
Cả ba loài sâm này có nguồn gốc từ Hoàng Liên Sơn-Sa Pa-Lào Cai. Sâm vũ diệp lá xẻ thùy, củ có đốt như sâm Ngọc Linh, nhưng không có vị đắng, khi nếm đầu lưỡi sẽ hơi bị ngứa. Tam thất hoang lá giống sâm Ngọc Linh, không xẻ thùy; củ giống sâm vũ diệp, ít xuất hiện bìu (mấu lồi, u bướu) phía dưới, khi nếm không có vị đắng hoặc đắng rất ít. Sâm “Ngọc Linh đá” lá không xẻ thùy; cũ cũng thân đốt giống sâm Ngọc Linh nhưng có vị đắng gắt hơn. Cắt củ ra ta thấy màu ghi xám, thường có xơ (xen-lu-lô hóa). Còn sâm Ngọc Linh thật lá không xẻ thùy, trái khi chín đỏ thường xuất hiện bớt màu đen, các đốt mắt củ thường ngắn hơn, không nằm trên một đường thẳng (củ già thường có các u bướu). Khi cắt ngang củ, thấy có màu vàng ngà, nếm có vị đắng và dịu ngọt dần nơi đầu lưỡi. Ba loại sâm Ngọc Linh giả kể trên đều được các đầu nậu mua từ Sa Pa, Lai Châu đem vào Kon Tum bán. Mặc dù chúng đều có khả năng bồi bổ cơ thể nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với sâm Ngọc Linh thật. Tại thị trấn Sa Pa giá sâm vũ diệp, tam thất hoang giao động từ 160-190 nghìn đồng/kg củ tươi, sâm Ngọc Linh đá từ 2-14 triệu đồng/kg củ tươi (tùy theo loại củ lớn, nhỏ). Còn sâm Ngọc Linh thật hiện nay trên thị trường khoảng 25-30 triệu đồng/kg củ tươi (loại 20 củ/kg), 35 triệu đồng/kg củ tươi (loại 10 củ/kg), 45 triệu đồng/kg củ tươi (loại 5 củ/kg)…Thế mới biết, bọn bất lương buôn bán sâm Ngọc Linh giả chúng đã “móc túi” người tiêu dùng như thế nào (??!!)
Cây và củ sâm Ngọc Linh
Để giả sâm Ngọc Linh, bọn đầu nậu thực hiện kỹ nghệ: lấy một ít sâm Ngọc Linh thật và sâm Ngọc Linh đá xay nhỏ và ngâm với sâm Ngọc Linh giả để “biến” thành sâm có mùi vị như sâm Ngọc Linh thật, đánh lừa người tiêu dùng.
Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh khi còn chưa muộn!
Sau nhiều năm thực hiện dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, Công ty TNHHMTV lâm nghiệp Đăk Tô đã phát triển được 4,6 ha vườn sâm Ngọc Linh giống. Theo đánh giá, dự án chỉ mới thực hiện 62% diện tích trồng mới theo kế hoạch. Tuy nhiên, thương hiệu sâm Ngọc Linh đang có nguy cơ bị đánh mất trước nạn sâm Ngọc Linh giả được bán nhiều như củ gừng, củ khoai.
Vườn Sâm Ngọc Linh đang ươm trồng
Trong chuyến làm việc với UBND tỉnh gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã bàn việc xây dựng Vườn giống quốc gia sâm Ngọc Linh; xác định ít nhất là 5 năm nữa không đặt vấn đề khai thác sâm Ngọc Linh; tập trung nâng cao chất lượng bảo tồn cây sâm Ngọc Linh…
Để bảo vệ thương hiệu cây sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Kon Tum gửi mẫu sâm được gọi là sâm
giả đang lưu hành tại Kon Tum để nhờ Viện Dược liệu xác định rõ nguồn gốc, giá trị dược liệu cũng như các đặc tính lý, hóa…Tuy nhiên, việc xác định rõ những mẫu sâm này còn phải…chờ.
Bảo vệ sâm Ngọc Linh trước nạn sâm Ngọc Linh giả đang “tấn công” không chỉ là vấn đề đặt ra cho tỉnh Kon Tum hiện nay, mà đòi hỏi các cơ quan chức năng ở trung ương phải quyết liệt vào cuộc để thương hiệu sâm Ngọc Linh với pháp danh Panax vietnamensis-dược liệu quý của quốc gia được trường tồn.
Nguồn tin: