Kết quả kiểm tra trên của cơ quan chức năng một lần nữa “báo động” về thực trạng phức tạp của các phòng khám đông y và thị trường đông dược trên cả nước. Riêng hai thành phố lớn Hà Nội, THCM đã xuất hiện rất nhiều các vụ việc “nổi cộm”, rung lên hồi chuông báo động về tình hình khám chữa bệnh bằng đông y Trung Quốc và thị trường thuốc đông dược.
Tại Hà Nội, số vụ việc vi phạm và mức độ nghiêm trọng không hề nhỏ. Kết quả kiểm tra các phòng khám Đông y Trung Quốc trên địa bàn Hà Nội thì có đến 7 trong số 9 cơ sở bị kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ch biết, vấn đề bức xúc mà cộng đồng phản ánh về các phòng khám Đông y Trung Quốc trong thời gian qua chủ yếu là phòng khám quảng cáo không đúng sự thật hoặc quá nội dung cho phép.
Đáng lo ngại hơn, dù đã bị xử phạt nhưng tình trạng vi phạm của các phòng khám đông y cứ tiếp tục tái diễn. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Năm nay phòng khám này vi phạm lỗi này thì sang năm phòng khám khác lại vi phạm lỗi đó. Hoặc năm nay phòng khám bị phạt vì bán thuốc chưa được cấp phép thì lần sau sẽ phạm lỗi khác”.
Đối với hoạt động khám chữa bệnh đông y đã vậy, thị trường kinh doanh buôn bán đông dược cũng có những vi phạm không thua kém. Theo báo cáo của Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 50.000 tấn dược liệu để điều chế thuốc và các chế phẩm khác. Trong đó, nguồn dược liệu của ta chủ yếu lại nhập khẩu từ Trung Quốc qua con đường phi mậu dịch, không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, không có giấy kiểm nghiệm.
Đặc biệt đã phát hiện khá nhiều dược liệu bị giả mạo như giả mạo Thỏ ty tử bằng hạt chế từ xi măng, giả mạo Ô dược bằng rễ Sim, giả Ý dĩ bằng hạt Cao lương. Việc trồng trọt dược liệu trong nước phát triển tự phát, chưa có quy hoạch, nhiều cơ sở trồng trọt còn sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định. Không ít dược liệu còn được nhuộm bằng thuốc nhuộm (Đan sâm, Câu kỷ tử), sử dụng hóa chất độc hại hoặc dùng dược liệu có chứa hoạt chất độc hại (Bằng sa, cây Vòi voi).
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh đông dược và thuốc y học cổ truyền vi phạm Tiêu chuẩn Dược Việt Nam tại địa bàn các quận 10, quận 5, quận 11, Tân Bình, Gò Vấp. Các vi phạm như: kho chứa dược liệu không đạt điều kiện vệ sinh, độ ẩm nên dễ mốc, biến chất; cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ và nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá, không có số đăng ký lưu hành; không thực hiện niêm yết giá thuốc theo qui định….
Rõ ràng, thời gian qua các ngành chức năng trên cả nước liên tục phát hiện và xử lý đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, khám – chữa bệnh, bán thuốc đông y, nhưng đến nay thuốc đông y không đảm bảo chất lượng vẫn tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người bệnh. Điều này cho thấy, phải chăng công tác quản lý cơ sở kinh doanh thuốc, khám – chữa bệnh, bán thuốc đông y còn bị buông lỏng?
Đã đến lúc cần “siết chặt” hoạt động quản lý với các cơ sở kinh doanh thuốc, khám – chữa bệnh, bán thuốc đông y hơn nữa, nếu không thị trường dược liệu của Việt Nam sẽ trở thành nơi tiêu thụ thứ phẩm và phế phẩm của thị trường đông dược nước ngoài. Đây cũng là điều cần thiết nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi cho người bệnh.