Được định nghĩa khi co giật liên tục hoặc tái diễn, các cơn co giật riêng lẻ có suy giảm ý thức giữa các cơn. Thời gian cơn co giật kinh điển khoảng 15-30 phút. Định nghĩa hay dùng trên lâm sàng hơn là bất kỳ tình trạng nào cần sử dụng ngay thuốc chống co giật; trong trạng thái động kinh co giật toàn thể (GCSE), điển hình khi co giật kéo dài > 5 phút.
Triệu chứng lâm sàng
Động kinh gồm nhiều loại: GCSE (vd: dai dẳng, co giật toàn thể trên điện não, hôn mê, và động kinh co cứng – co giật), và động kinh không co giật (vd: cơn vắng ý thức kéo dài hoặc động kinh cục bộ, lú lẫn, hoặc giảm ý thức cục bộ, và những bất thường vận động nhỏ). GCSE dễ nhận thấy khi co giật rõ, nhưng sau 30-45 phút co giật liên tục, các dấu hiệu có thể trở nên khó nhận thấy hơn (co giật nhẹ các ngón tay; chuyển động mắt nhanh nhẹ; hoặc những giai đoạn nhịp nhanh kịch phát, dãn đồng tử, và tăng huyết áp). EEG có thể là phương tiện chẩn đoán duy nhất khi các dấu hiệu lâm sàng khó nhận thấy; vì vậy, nếu một bệnh nhân vẫn còn hôn mê sau co giật, nên thực hiện EEG để loại trừ tình trạng động kinh tiếp diễn.
GCSE đe dọa tính mạng khi kèm theo rối loạn chức năng tim phổi, tăng thân nhiệt, và rối loạn chuyển hóa như toan máu (do hoạt động cơ kéo dài).
Tổn thương thần kinh không phục hồi có thể xảy ra do co giật dai dẳng, thậm chí trên một bệnh nhân bị liệt do ức chế thần kinh cơ.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân chủ yếu của GCSE là không sử dụng đúng hoặc cai thuốc chống động kinh, các rối loạn chuyển hóa, ngộ độc thuốc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, khối u hệ thần kinh trung ương, động kinh khó chữa, và chấn thương đầu.
ĐIỀU TRỊ TÌNH TRẠNG ĐỘNG KINH CO CỨNG – CO GIẬT TOÀN THỂ Ở NGƯỜI LỚN
Hình. Điều trị tình trạng động kinh co cứng-co giật toàn thể ở người lớn. Thanh ngang màu xám chỉ dẫn tương đối khoảng thời gian tiêm thuốc. TM: tiêm tĩnh mạch; PE: tương đương phenytoin.
Điều trị trạng thái động kinh
GCSE là một cấp cứu y khoa cần phải được điều trị ngay lập tức.
Đầu tiên chú ý đến vấn đề tim phổi hoặc tăng thân nhiệt cấp tính.
Tiến hành khám toàn diện và khám thần kinh, lập đường truyền tĩnh mạch, và xét nghiệm kiểm tra những bất thường chuyển hóa gồm nồng độ thuốc chống co giật nếu bệnh nhân có tiền sử động kinh.
Liệu pháp chống co giật nên bắt đầu ngay sau đó không trì hoãn.
Đồng thời, tìm ra nguyên nhân co giật là cần thiết để ngừa tái phát và điều trị các bất thường kèm theo.
Điều trị tình trạng động kinh không co giật ít khẩn cấp hơn khi co giật liên tục không kèm theo rối loạn chuyển hóa nặng của GCSE; tuy nhiên, nhiều bằng chứng tổn thương tế bào tại chỗ các vùng co giật cục bộ, vì vậy nên được điều trị nhanh nhất có thể theo hướng tiếp cận chung cho GCSE.
Tiên lượng
Tỷ lệ tử vong là 20% trong GCSE, và tỷ lệ di chứng thần kinh kéo dài là 10–50%.