Nếu như có một cô tiên cho bạn một điều ước, từ nay về sau bạn sẽ không bao giờ cảm thấy đau đớn, dù bạn bệnh đến cỡ nào, hoặc gặp nạn gì, mới nghe dường như rất tuyệt vời, phải không ? Nhưng nếu bạn thật sự nhận lấy ân huệ này, đó chính là điều sai lầm lớn của bạn. Vì cái đau tuy hết sức khó chịu, nhưng đó lại là triệu chứng hết sức hữu dụng, khi bộ óc của bạn phát hiện ra cơ thể có nơi nào không ổn, liền báo động bằng cảm giác đau và báo một cách liên tục, cho đến khi vấn đề đó được giải quyết mới thôi. Bạn thử nghĩ xem, nếu một khi bạn bị té mà không biết mình bị gãy tay hay bị thương ở đâu, hoặc khi bệnh tim bộc phát, mà bạn vẫn đi làm bình thường, không biết uống thuốc, thì thật sự vô cùng bất hạnh ! Thậm chí nếu bệnh thường không gây hại, không được phát hiện kịp thời cũng dẫn tới hậu quả xấu, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Giả sử một con chó bị gãy chân, bác sĩ thú y băng bó xong, rất ít khi cho uống thuốc giảm đau, nghe ra hình như hơi tàn nhẫn, thật ra đây chính là cách nhắc nhở chó không nên động đậy cho đến khi vết thương lành hẳn, nếu không nó cứ đi lại mãi, vết thương sẽ ngày thêm trầm trọng. Con người thông minh hơn các loài vật khác, biết tự chăm sóc vết thương không cho nó làm độc, trừ những trường hợp các vận động viên cố tình uống novocaine, cortisone để kiềm chế đau đớn nhằm mục đích tiếp tục tham gia trận đấu.

Mỗi người có phản ứng khác nhau đối với đau, có người nhịn được, có người lại hoàn toàn không thể nhịn. Thí dụ như bệnh động mạch vành, đây là một thứ bệnh do hẹp mạch máu tim, triệu chứng thường là đau thắt ngực, thường do mệt mỏi hoặc quá xúc động. Nhưng có một số người tuy động mạch bị tắc nghẽn hết sức trầm trọng, nhưng lại hoàn toàn không có triệu chứng, nên không nhắc nhở được cơ thể chú ý sự nguy hiểm của bệnh tình. Điều này giải thích tại sao biến chứng động mạch vành có liên hệ mật thiết với sự đột quỵ.Cơn đau quặn

Ngoài ra, không nên căn cứ mức độ đau để phán xét sự nghiêm trọng của bệnh tình, vì có lẽ các đặc tính đau khác có quan trọng hơn. Phải làm rõ đau như thế nào ? đau nhói ? đau như thiêu như đốt ? hay đau ê ẩm? Khi nào thì thấy đau ? Có thứ bệnh chỉ đau trong một thời gian cố định nào đó, cũng có thể đau sau khi tập thể dục. Khi đau có kèm theo triệu chứng khác không, như buồn nôn, sốt…nơi đau có thể là trọng điểm theo dõi, có thể do một bộ phận khác đang có bệnh, được thần kinh truyền đến cho biết vị trí. Những phần tiếp theo của sách sẽ cho biết về các đặc trưng, để giúp các bạn phán xét ra nguyên nhân và ý nghĩa đặc trưng của triệu chứng đau.

CẢM THẤY ĐAU NHƯ THẾ NÀO?  TẠI SAO CÓ CẢM GIÁC ĐÓ?

Hệ thống thần kinh nhận cảm giác đau được hợp thành bởi hai phần, trước hết dây thần kinh cảm nhận kích thích toàn vẹn, hai là mạng lưới truyền xung động đó về cho bộ óc cũng phải hoạt động tốt, như vậy bạn mới có cảm giác đau, bộ óc sẽ báo cho biết ý nghĩa của xung động đó và chỗ nào của bạn đang bị thương. Tuy nhiên nhiều chứng bệnh có thể khiến một phần dây thần kinh bị tổn thuơng, nên không thể truyền thông tin chính xác về cho bộ óc, ngoài ra, chặng cuôl cùng truyền thông tin tới bộ óc là tủy sống cũng có thể tổn thương do tai nạn, khối u, làm cho sự truyền xung động bị gián đoạn. Bộ óc cũng có thể tổn thương (trúng gió chẳng hạn) khiến thông tin đau đớn không được phân tích chính xác.

Chúng ta có thể kiểm nhận vấn đề trên bằng những cách biểu diễn thôi miên, người bị thôi miên sẽ hoàn toàn không có cảm giác đau, dù đang bị tổn thương nghiêm trọng, tuy lúc đó dây thần kinh có truyền thông-tin, về cho bộ óc, nhưng óc lại không có phản ứng đối với bất kỳ thông tin nào, như nhân viên tổng đài đang ngủ quên trước máy điện thoại.

Châm cứu cũng là một phương pháp khiến bộ óc không bị kích thích trước thông tin đau đớn. Tôi từng xem một phụ nữ trẻ được phẫu thuật tim, mà không sử dụng một tí thuốc mê nào, tôi thậm chí còn nhìn thấy rõ trái tim của chị đang đập trong lồng ngực, chị ta hoàn toàn tỉnh táo, miệng nở nụ cười, không ngừng hớp nhẹ từng chút nước, thuốc tê duy nhất được sử dụng cho chị ta chỉ có kim châm đang được xoay vào cánh tay trái của chị. Chỉ có khoảng 25% người có phản ứng về châm cứu, nhưng tác dụng của châm cứu thật hết sức thần kỳ.

Tóm lại, muốn cho cảm giác đau biến mất, điều căn bản và tốt nhất chính là tìm ra nguyên nhân căn bệnh, trị cho khỏi. Nếu là lao thì phải dùng kháng sinh, nếu là viêm ruột thừa, thì phải mổ, tuy nhiên cũng có những thứ bệnh tuy dễ phát hiện nguyên nhân lại không có cách trị khỏi đau như sida, ung thư… đành phải dùng phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh dẫn truyền, hoặc cho uống thuốc giảm đau.

Nhưng đa số cơn đau không phải phát sinh từ những bệnh nghiêm trọng như vậy, hoặc tạm thời như gãy xương, hay dây dưa như thấp khớp. Nhìn chung, nếu mắc phải căn bệnh mãn tính không dẫn tới cái chết, thì tốt nhất tránh sử dụng thuốc giảm đau mạnh như codeine, morphine, demerol…., để khỏi bị lờn thuốc.

Trong chương này tôi sẽ giúp các bạn xác định chính xác nỗi đau xảy ra trên cơ thể, do nguyên nhân nào gây nên, có ý nghĩa đặc trưng như thế nào, và mức độ nghiêm trọng của bệnh tình, cách xử lý. Trong khi giới thiệu, tôi sẽ giúp các bạn ôn lại hiểu biết về giải phẫu học, vị trí và chức năng của các cơ quan. Các bạn chớ nên vì sự khô khan mà bỏ qua không đọc, vì chỉ khi bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình trong thường ngày, một khi xuất hiện triệu chứng, mới có thể nhận biết chúng là thông tin vô hại, hay cần phải tiến hành điều trị. Bây giờ hãy để chúng tôi bắt đầu tìm hiểu từ phần trên cùng của cơ thể.

0/50 ratings
Bình luận đóng