Viêm ruột non hoại tử là bệnh cấp tính, trong đó đoạn ruột non bị tổn thương, thường là hỗng tràng, có những tổn thương xuất huyết hoại tử khu trú ở từng đoạn ruột hay lan toả.

Nguyên nhân gây bệnh thường do các vi khuẩn kỵ khí Clostridium perfringen bệnh hay gặp trong độ tuổi từ 3-6 tuổi.

CHẨN ĐOÁN

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng

  • Đau bụng từng cơn, đau quanh rốn hoặc ở hạ sườn trái.
  • Tiêu chảy phân có máu: Có thể tiêu chảy phân lỏng có máu hoặc phân sền sệt, màu nâu đỏ, mùi rất hôi. Cũng có thể phân toàn nước đỏ giống như màu nước rửa thịt, tiết canh pha loãng, có mùi hoại tử thối khắm.
  • Toàn thân: sốt, mất nước, tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
  • Một số trường hợp có sốc: Thường xuất hiện sớm trong vòng 4 ngày đầu của bệnh, sốc giảm thể tích với biểu hiện lờ đờ, mạch nhanh, huyết áp hạ, nước tiểu ít, áp lực tĩnh mạch trung tâm giảm.
  • Thành bụng: bụng chướng tăng dần, xuất hiện phản ứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc là những biểu hiện ngoại khoa cần chỉ định mổ cấp cứu.
  • Nôn, đặt sonde dạ dày ra dịch dạ dày màu xanh đen hoặc nước màu nâu.

Triệu chứng cận lâm sàng

  • Công thức máu: bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái, tiểu cầu bình thường hoặc giảm.
  • Hematocrit tăng nhanh do cô đặc máu.
  • Hb, số lượng hồng cầu giảm trong trường hợp có xuất huyết tiêu hoá.
  • Xquang bụng: chụp bụng không chuẩn bị tư thế đứng cho thấy các hình ảnh sau:

+ Thành ruột dày, hỗng tràng có hình đàn xếp do phù nề thành ruột.

+ Liệt ruột cơ năng hoặc bán tắc ruột (khi có hình ảnh củ cà rốt, mức nước, mức hơi).

+ Mờ vùng tiểu khung khi có viêm phúc mạc.

+ Liềm hơi khi có thủng tạng rỗng.

+ Hình ảnh bóng hơi ở thành ruột thường hiếm khi thấy, nếu nghi ngờ, phải chụp Xquang 8-12 giờ /1 lần.

Chẩn đoán thể lâm sàng

Viêm ruột non hoại tử nhẹ(thể điều trị nội khoa)

Có các triệu chứng: đau bụng, phân lỏng, sệt, mầu nâu do hoại tử, có các dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc, không có các biểu hiện ngoại khoa.

Viêm ruột non hoại tử nặng

Đau bụng, phân nâu, thối khẩn, dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc, sốc giảm thể tích.

Viêm ruột non hoại tử thể ngoại khoa

Thể nặng hoặc thể nhẹ, song có biểu hiện ngoại khoa. Phải điều trị bằng phẫu thuật, có thể vừa hồi sức vừa phẫu thuật, sau phẫu thuật tiếp tục hồi sức, giám sát và điều trị sốc, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch trong vòng 7 ngày.

Tắc ruột có thể xảy ra vào ngày thứ 4 của bệnh, hoặc có thể 1-2 tháng sau đó, biểu hiện là trẻ đau khi cho ăn trở lại, kèm theo các dấu hiệu tắc hoặc bán tắc ruột.

ĐIỀU TRỊ

Thể nhẹ:

Không có sốc, không có biểu hiện ngoại khoa.

  • Nhịn ăn trong 24 giờ, đặt sonde dạ dày dẫn lưu theo dõi, ghi lại đặc điểm và số lượng dịch dạ dày.

Nếu bụng không chướng, dịch dạ dày trong, có thể cho bệnh nhân uống nước đường hoặc ăn bột loãng.

  • Nuôi dưỡng tĩnh mạch.
  • Kháng sinh:

Benzyl penicillin 100.000-200.000 đv/kg/ngày tiêm TM 6giờ/lần. Metronidazol 20-50mg/kg/ngày truyền TM.

Có thể cho gentamicin 3-5mg/kg/ngày tiêm bắp.

  • Bù dịch, truyền máu khi cần thiết, dùng máu tươi toàn phần. 10-20ml/kg khi bệnh nhân có thiếu máu, Hb < 30%.
  • Nếu có biểu hiện rối loạn đông máu, tiểu cầu < 100.000, có chỉ định truyền khối tiểu cầu hoặc máu tươi toàn phần.

Thể có sốc

Ngoài những xử trí trên, trước hết phải xử trí sốc giảm khối lượng tuần hoàn.

  • Sử dụng dung dịch ringerlactat bơm tĩnh mạch hoặc truyền nhanh. 15-10ml/kg trong 15-20 phút đầu, tổng lượng dịch truyền 160- 200ml/kg/24 giờ.
  • Nếu mạch, huyết áp chưa ổn định có thể dùng dextran 40-60ml/kg hoặc plasma tươi 20ml/kg/24 giờ hoặc các dung dịch cao phân tử khác.
  • Nên đặt catheter TM trung tâm để theo dõi, giám sát lượng nước tiểu, huyết áp động mạch.
  • Nếu hematocrit < 30%, chỉ định truyền máu toàn phần 10- 20ml/kg. Nếu có rối loạn đông máu, tiểu cầu < 100.000 truyền máu tươi hoặc khối tiểu cầu.
  • Sau khi đã bồi phụ đủ thể tích tuần hoàn, nếu các dấu hiệu lâm sàng chưa cải thiện, dùng dopamin 2,5pg/kg/phút tăng dần sau 30 phút 1 lần tối đa 20g/kg/phút.
  • Kháng sinh.
  • Penicillin 000 đv/kg/ ngày tiêm TM 4 giờ/lần.

Chloramphenicol 100mg/kg/ ngày tiêm TM 6 giờ/lần.

  • Thở oxy 3-5 lít /phút qua sonde.

Thể ngoại khoa

  • Nếu trẻ có sốc, cần điều trị hết sốc, hồi sức trước, nếu có các biểu hiện ngoại khoa như: hội chứng tắc ruột, viêm phúc mạc… có chỉ định can thiệp ngoại khoa.
  • Làm xẹp ruột, dẫn lưu ổ bụng nếu ruột chưa có mảng, hoặc các vết tím sẫm hoại tử.
  • Cắt đoạn ruột non, dẫn lưu 2 đầu ruột ra ngoài.
  • Làm xẹp rưột, mở thông dạ dày nếu tổn thương hoại tử ruột non lan rộng.
0/50 ratings
Bình luận đóng