Cần thiết phải điều trị bệnh tăng huyết áp
Các nghiên cứu dịch tễ trên diện rộng về các bệnh tim mạch nói chung (trong đó có bệnh tăng huyết áp) cho thấy trong vòng 20 năm ở các nước phát triển với các tiến bộ trong điều trị dự phòng, tử vong do suy mạch vành đã giảm được 50%, tử vong do tai biến mạch máu não giảm được 57%.
Với bệnh tăng huyết áp, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới từ lâu đã khẳng định lợi ích của điều trị bệnh trong việc làm giảm tai biến mạch máu não, tai biến mạch vành và tử vong do tim mạch. Bản phân tích của Collins (1990) dựa vào 14 nghiên cứu tiến hành trên 37.000 bệnh nhân tăng huyết áp (90% số bệnh nhân có huyết áp tâm trương <115 mmHg) điều trị bằng thuốc lợi tiểu và/hoặc thuốc ức chế cảm thụ giao cảm bêta trong 5 năm cho thấy cứ làm huyết áp tâm trương giảm được 5-6 mmHg thì làm giảm được 42% tai biến mạch máu não và 14% tai biến mạch vành. Ở người già, Mac Mahon và Rogers (1993) khi phân tích 5 nghiên cứu trên 12.483 bệnh nhân >60 tuổi bị tăng huyết áp được điều trị trong 5 năm, thấy các thuốc làm huyết áp tâm thu giảm 12-14 mmHg, huyết áp tâm trương giảm 5-6 mmHg đồng thời làm giảm 34% nguy cơ tai biến mạch não, 19% tai biến mạch vành, 23% tử vong do tim mạch. Gueyffìer (1996) thấy ở người >60 tuổi, nếu điều trị tốt bệnh tăng huyết áp thì có thể tránh được 9 tai biến mạch não và 4 tai biến mạch vành nặng cho 1000 bệnh nhân mỗi năm.
ở các bệnh nhân tăng huyết áp có đái tháo đường, điều trị tốt cả 2 bệnh cũng làm giảm được nguy cơ tai biến và tử vong: nghiên cứu UKPDS 38 (1998) trên 1.148 bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp (trung bình 160/94 mmHg), chia làm 2 nhóm cùng dùng thuốc chữa đái tháo đường và thuốc hạ áp, nhóm 1 kiểm soát được huyết áp chặt chẽ <150/85 mmHg, nhóm 2 kiểm soát huyết áp không chặt chẽ, theo dõi trung bình 8,4 năm thấy nhóm 1 đạt được huyết áp khoảng 144/82 mmHg trong khi nhóm 2 đạt khoảng 154/87 mmHg, nhóm 1 giảm được 24% tai biến tim mạch, 32% tử vong, 44% tai biến mạch não, 37% tai biến liên quan đến tổn thương vi mạch, 34% tai biến đáy mắt so với nhóm 2.
Cần lưu ý những gì khi điều trị tăng huyết áp ?
- Trước hết phải xác định tăng huyết áp là một bệnh nguyên phát (không có nguyên nhân) hay chỉ là triệu chứng của một bệnh khác (tăng huyết áp thứ phát). Muốn thế, phải khám bệnh nhân toàn diện, tìm hiểu các tiền sử bệnh tật, các thuốc đang dùng, làm các xét nghiệm và thăm dò X quang, siêu âm… cần thiết liên quan đến chức năng thận, thượng thận… để cố tìm được nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Nếu thấy được bệnh chính hay nguyên nhân chính gây tăng huyết áp thì phải điều trị bệnh đó hoặc nguyên nhân đó, điều trị có kết quả thì hết triệu chứng tăng huyết áp, ví dụ tăng huyết áp trong bệnh hẹp eo động mạch chủ, phẫu thuật xong thì huyết áp trở lại bình thường; nếu tăng huyết áp là do dùng thuốc chống thụ thai, corticoid… thì sau khi ngừng thuốc, huyết áp cũng sớm trở lại như cũ.
Nếu không thấy nguyên nhân (90-95% các trường hợp) thì đó là bệnh tăng huyết áp nguyên phát, một loại bệnh mà cho tới nay điều trị còn khó khăn.
- Các công trình nghiên cứu trên thế giới cho đến nay đều thống nhất rằng bệnh tăng huyết áp nguyên phát không tự khỏi được, cần phải được điều trị. Khi đã được phát hiện có bệnh, bệnh nhân phải hết sức quan tâm việc điều trị bệnh cho bản thân mình.
Vì vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh nên hiện nay người ta vẫn chưa tìm được cách điều trị cơ bản, các thuốc đang được dùng kể từ các thuốc kinh điển như reserpin đến các thuốc mới như Captopril… đều chỉ chữa triệu chứng tăng huyết áp nghĩa là có thể đưa được huyết áp xuống và cũng chỉ có tác dụng nhất thời, nếu ngừng thuốc thì bệnh lại tiến triển xấu, vì vậy một yêu cầu cơ bản là phải điều trị bệnh liên tục, suốt đời.
- Mục tiêu của việc điều trị bệnh tăng huyết áp là làm giảm tối đa nguy cơ mắc các tai biến và tử vong do tim mạch như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Tăng huyết áp thế giới trong Khuyến cáo năm 1999. Để đạt được mục tiêu đó:
- Cần đưa huyết áp trở về mức bình thường <130/85 mmHg hoặc tối ưu <120/80 mmHg đối với người trẻ, trung niên hoặc có bệnh đái tháo đường và mức bình thường cao <140/90 mmHg cho người lớn tuổi.
- Đồng thời phải can thiệp vào tất cả các yếu tố nguy cơ mà người bệnh đang có như rượu, thuốc lá, béo bệu, rối loạn lipid máu, đái tháo đường …
Trong điều trị, người ta chú ý nhiều đến huyết áp tâm trương nhưng Tổ chức Y tế thế giới cho rằng “huyết áp tâm thu cũng là yếu tố nguy cơ mạnh mẽ tương đương với huyết áp tâm trương”, do vậy phải bằng mọi cách không được để các con số huyết áp tăng quá cao.
Mức huyết áp đưa xuống mong muốn là trong giới hạn được quy định nghĩa là <140/90 mmHg, tuy vậy ở người đã bị bệnh từ lâu không được chữa hoặc chữa không đầy đủ, huyết áp thường xuyên ở mức cao 150-160/95-100 mmHg, họ đã quen với mức huyết áp đó, nếu cố đưa nhanh huyết áp xuống thấp hơn thì có khi nguy hiểm, làm cho bệnh nhân rất khó chịu vì việc tưới máu não dễ bị giảm với những hậu quả không tốt, chưa kể đến việc phải dùng nhiều thuốc phối hợp có thể gây nên những tác dụng phụ không tốt cho họ. Tất nhiên ở mức huyết áp đó thì các tai biến vẫn cứ nặng hơn, tuổi thọ giảm hơn so với những bệnh nhân có mức của huyết áp trong giới hạn bình thường, vì vậy mục tiêu lâu dài với những bệnh nhân đó vẫn là phải đưa dần dần huyết áp xuống mức yêu cầu sau 2 tháng, 3 tháng, thậm chí 6 tháng, tháng này phải giảm hơn tháng trước một chút, không được dừng lại ở mức huyết áp cao.
Một số nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh có mối liên quan giữa các mức huyết áp với tử vong và thẤy tử vong là thấp nhất khi huyết áp là 120/80 mmHg. Khuyến cáo đầu năm 1999 của Tổ chức Y tế thế giới và Hội Tăng huyết áp thế giới cũng đã quy định huyết áp tối ưu (nghĩa là có nguy cơ tim mạch thấp nhất) là <120/<80 mmHg. Gần đây, có một nghiên cứu đa trung tâm ở nhiều nước mang tên HOT (Hypertension Optimal Treatment, 1998) tiến hành trên 19.196 bệnh nhân tăng huyết áp để tìm hiểu xem nên đưa huyết áp tâm trương xuống tới mức nào là tối Ưu ít bị tai biến nhất, các bệnh nhân được dùng felodipin là một thuốc ức chế calci mới, một số bệnh nhân còn được dùng phối hợp thêm một số thuốc khác, kết quả nghiên cứu cho thấy tai biến tim mạch xảy ra ít nhất khi huyết áp tâm trương giảm xuống mức 83 mmHg.