Môi trường của trẻ ở bên ngoài ngôi nhà sẽ khó kiểm soát hơn so với không gian bên trong, do đó bạn cần luôn luôn theo dõi, giám sát trẻ để đảm bảo sự an toàn cho con.
Khi con đi ra ngoài, luôn nhớ thoa kem chống nắng với chỉ số chống nắng (SPF) lớn hơn 30 cho bé, và phải thoa trong vòng ít nhất là từ 15-30 phút trước khi cho bé ra khỏi nhà, cũng như đều đặn thoa lại sau đó. Bạn nên cho bé mặc những loại quần áo thoải mái, với chất vải nhẹ che toàn thân bé, và đội mũ để che đầu và tai cho bé. Ngoài ra bạn cũng có thể cho bé đeo kính chống nắng để bảo vệ bé khỏi tia tử ngoại.
Mục lục
Sân vườn
Ngay khi con bạn đã đủ lớn để có thể chơi ngoài trời, bạn cũng nên thiết kế sân chơi để đảm bảo an toàn cho bé như đã làm với ngôi nhà của mình.
- Nếu sân nhà bạn không có hàng rào, hãy dạy cho bé nhận biết những ranh giới mà bé không được vượt qua, đồng thời luôn luôn phải có người có trách nhiệm canh chừng bé.
- Khi bạn nấu đồ ăn ngoài trời, luôn có lồng bảo vệ lò để bé không sờ vào được, và giải thích cho bé hiểu chiếc lò này cũng nóng như bếp trong phòng bếp. Các loại lò dùng khí propane phải được cất cẩn thận khi không sử dụng để bé không nghịch được các núm vặn bếp, còn phần thân sau khi dùng xong phải được làm nguội hoàn toàn trước khi đổ bỏ.
- Kiểm tra trong sân có loại cây nào có độc hay không, đồng thời các loại nấm, những thường xuân độc và các loại cây có nguy cơ gây hại khác cũng cần phải được nhổ bỏ. Bạn cần dạy cho trẻ rằng không được ăn bất kì thứ gì mà trẻ tìm thấy trong vườn, trừ khi bạn nói rằng thứ đó an toàn. Những loại cây có độc hay xuất hiện trong vườn và sân của các gia đình gồm có cây hoa mao lương vàng (buttercups), củ của cây thủy tiên, cây thường xuân của Anh, cây nhựa ruồi, cây tầm gửi, lá của cây cà chua, phần thân bò của dây khoai tây, cây họ đỗ quyên và lá cây đại hoàng. Các loại dâu có màu sáng và sặc sỡ thường đặc biệt hấp dẫn trẻ em, song lại có rất nhiều loại dâu có độc, do đó bạn cần luôn luôn để mắt đến trẻ để chúng không cho những loại này vào miệng.
- Hãy dạy cho trẻ cách nhận biết và tránh xa thường xuân độc, cây sồi và cây sumac.
- Nếu bạn sử dụng thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ cho vườn hoặc bãi cỏ nhà mình, hãy đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu bạn hoặc hàng xóm nhà bạn dùng các sản phẩm này, hãy luôn giữ trẻ chơi trong nhà khi đang phun thuốc. Còn khi bạn đang cắt cỏ, tốt nhất là cũng không cho trẻ ra ngoài.
- Không bao giờ cho trẻ chơi một mình ở gần đường giao thông, và không cho phép trẻ tự sang đường, thậm chí cả khi đó chỉ là sang đường để đi lên xe buýt trường học đang đến đón.
Sân chơi và các thiết bị đồ chơi ngoài trời
- Không nên để trẻ dưới 5 tuổi chơi chung với các trẻ lớn hơn khi chơi các thiết bị đồ chơi ngoài trời.
- Hãy đảm bảo rằng ở bên dưới các loại xích đu, bập bênh và các thiết bị đồ chơi vận động và leo trèo luôn có một lớp đệm bằng cát, hoặc bằng mảnh gỗ vụn hay bằng cao su với một độ dày nhất định và thường xuyên được bảo dưỡng.
- Các kết cấu bằng gỗ phải được làm từ loại gỗ bền chắc dưới mọi điều kiện thời tiết và bạn nên thường xuyên kiểm tra bề mặt của chúng để đảm bảo chúng luôn trơn láng. Các kết cấu bằng kim loại có thể trở nên đặc biệt nóng trong các tháng mùa hè.
- Luôn cho trẻ đi giày khi chơi trên sân chơi.
- Nên kiểm tra định kỳ các thiết bị đồ chơi để phát hiện kịp thời nếu có những chỗ bị lỏng khớp nối, những chỗ mắt xích bị hở làm cho xích bị lỏng ra, hoặc những chỗ móc bị rỉ sét. Bên cạnh đó, những bộ phận bị chìa ra cũng cán phải được phát hiện và sửa lại để không làm quần áo trẻ bị móc vào đó, những chỗ đinh vít bị phơi ra ngoài trời hay bị rỉ cũng cần được bọc bằng cao su bảo vệ. Nếu bạn phát hiện ra sự xuống cấp có thể dẫn đến nguy hiểm của các thiết bị này ở nơi công cộng, hãy báo cho nhà chức trách có trách nhiệm.
- Các xích đu luôn phải nhẹ nhưng chắc chắn, với chỗ ngồi được lót nệm cao su hoặc nhựa, và xung quanh phải có hàng rào để ngăn không cho trẻ nhỏ chạy vào gần xích đu.
- Không để trẻ nhỏ dưới 4 tuổi trèo lên các thiết bị leo trèo có chiều cao lớn hơn chiều cao của trẻ mà không có sự giám sát chặt chẽ của người lớn.
- Không để trẻ trèo lên phần máng trượt của cầu trượt, thay vào đó hãy yêu cầu các bé phải đi lên ở phía có bậc thang, và phải ra khỏi vị trí cầu trượt ngay khi trượt xuống dưới đáy.
- Không nên để trẻ trong độ tuổi từ 3-5 chơi bập bênh, trừ khi bé chơi trò này với trẻ có cùng cân nặng và ở cùng độ tuổi.
- Không nên để trẻ nhỏ chơi trò nảy trên mâm nảy. Hàng năm có khoảng 100.000 trẻ em Mĩ bị thương khi chơi trò này, trong đó nhiều em bị gãy xương, chấn thương đầu, chấn thương tủy sống và bong gân. Những trẻ lớn hơn có thể chơi khi đã tham gia các chương trình huấn luyện cho các trò thể thao thi đấu như thể dục dụng cụ hoặc lặn, và chỉ chơi khi có sự giám sát của các chuyên gia.
Khi ở trong xe ôtô
Hàng năm, có hơn 5.000 người Mĩ gồm trẻ em, vị thành niên dưới 21 tuổi bị chết trong các vụ đâm xe ô tô. Số trẻ em bị thương còn nhiều hơn con số này, và trong 18 ca phải nhập viện và 400 ca phải điều trị y tế, thì lại có một ca tử vong. Để phòng tránh những thương tích không đáng có, các bậc cha mẹ cần chú ý áp dụng đúng những chỉ dẫn an toàn sau cho trẻ.
Ngay khi sinh ra, trẻ đã nên được chuẩn bị sẵn một chiếc ghế an toàn để ngồi trên xe ô tô đáp ứng mọi tiêu chuẩn hiện hành. Ngoài ra, hãy luôn ghi nhớ những điều sau để giữ an toàn cho trẻ khi ngồi trong xe:
- Luôn để trẻ dưới 13 tuổi ngồi ở hàng ghế sau, vì đó là vị trí an toàn nhất cho trẻ.
- Luôn tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của nhà sản xuất khi lắp ghế ngồi ô tô cho trẻ nhỏ, và phải kiểm tra để đảm bảo ghế đã được lắp chắc chắn vào xe. Kiểm tra bằng cách lắc thử chiếc ghế, nếu dây an toàn của xe vẫn lỏng và khiến ghế có thể dịch chuyển sang hai bên hoặc từ trước ra sau một khoảng hơn 2,5 cm, thì ghế chưa được lắp đủ chắc. Đồng thời, luôn kiểm tra để đảm bảo ghế đã được neo chắc chắn vào dây an toàn hoặc hệ thống neo và đai an toàn phía dưới dành cho trẻ nhỏ của ô tô (LATCH) trước khi khởi hành. Nếu bạn làm mất sách hướng dẫn hoặc cần tìm hiểu thêm thông tin về các loại ghế đã bị thu hồi, hãy liên hệ với nhà sản xuất, hoặc bạn có thể tải các hướng dẫn lắp đặt ghế từ các trang web điện tử của nhà sản xuất.
- Tất cả trẻ em phải được đặt ngồi và thắt đai an toàn đúng cách trong ghế ngồi ô tô cho trẻ nhỏ, hoặc trên ghế nâng (với trẻ lớn hơn), hay với đai an toàn của xe thắt ở cả vai và bụng (với trẻ đã đủ chiều cao và cân nặng để ngồi được ghế của xe), tùy theo độ tuổi và kích thước cơ thể trẻ.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (cho đến khi được ít nhất là 2 tuổi hoặc cho đến khi đã có chiều cao và cân nặng chạm mốc lớn nhất mà nhà sản xuất đưa ra – thường là trẻ sẽ đạt được khi được 2 tuổi) cần được đặt trong ghế ngồi cho trẻ nhỏ loại quay ngược lại với chiều của ghế xe, và phải được cài đầy đủ đai an toàn của ghế. Đây là cách ngồi tốt nhất cho trẻ, do đó trẻ nên được đặt ngồi theo cách này càng lâu càng tốt. Những trẻ có chiều cao và cân nặng vượt mức cho phép để ngồi ghế xe loại này có thể vẫn tiếp tục được đặt ngồi quay ngược lại với hàng ghế của xe trong loại ghế có thể đảo chiều.
- Khi kích thước của trẻ đã quá lớn so với loại ghế ngồi cho trẻ nhỏ loại quay ngược lại với chiều của ghế xe, bạn nên mua ghế ngồi cho trẻ nhỏ loại cùng chiều với ghế xe, kèm theo bộ đai của ghế và trẻ nên ngồi trong loại ghế này cho đến khi chiều cao và cân nặng đã đủ để thay loại ghế khác theo chỉ định của nhà sản xuất. Các dòng ghế loại này gồm có ghế có thể đảo chiều, ghế 3 trong 1, hoặc loại ghế chỉ có thể lắp cùng chiều với ghế của xe, hoặc ghế đa năng. Bạn có thể xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi hoặc một kỹ thuật viên an toàn hành khách trẻ em (Child Passenger Safety Technician – CPST (Mĩ)) để có được sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ và phù hợp nhất với xe của bạn. Bạn có thể tìm cho mình một CPST gần khu vực sinh sống bằng cách truy cập vào trang web điện tử.
- Khi trẻ đã đạt đủ chiều cao và cân nặng theo số chỉ định của nhà sản xuất, trẻ có thể dùng loại ghế nâng lắp cố định vào ghế xe bằng dây đai an toàn, và sẽ dùng chúng cho đến khi vòng bụng và vai của trẻ đủ lớn để khớp với các dây an toàn cho vai và bụng của xe. Khi đó, nếu đặt trẻ ngồi trong ghế bình thường của xe, thì dây đai chéo của xe sẽ nằm vắt ngang phần vai, chứ không phải phần cổ của trẻ, và phần đai bụng sẽ vừa khít với phần hông phía dưới. Đa số trẻ sẽ đạt được các yêu cầu này khi tới tầm 8-12 tuổi, và chiều cao của trẻ vào khoảng l,5m.
- Luôn nhắc mọi người ngồi trên xe phải thắt dây an toàn để làm gương và tạo thói quen tốt về lâu dài cho trẻ.
- KHÔNG BAO GIỜ được để trẻ mới sinh, trẻ sơ sinh, hoặc trẻ nhỏ ở một mình trong xe, vì chỉ cần một khoảnh khắc ngắn ngủi cũng đủ để trẻ tự khóa cửa xe từ phía trong, sang sổ xe, nhả phanh khẩn cấp, tự làm bỏng bằng bật lửa trên xe, hoặc bị quá nhiệt. Nếu bạn thấy có trẻ nhỏ ở một mình trong xe, hãy gọi hỗ trợ khẩn cấp, vì bé có thể bị quá nhiệt rất nhanh và tử vong vì bị tăng thân nhiệt ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời khá mát mẻ.
Xe đẩy
Một chiếc xe đẩy chắc chắn thật sự rất có giá trị. Bạn nên chú ý đến các đặc điểm an toàn của xe khi mua như phần đế chắc chắn sẽ giúp xe không bị lật, cũng như loại có đai ở 5 điểm sẽ giúp trẻ được an toàn hơn. Ngoài ra, hãy tuân theo các chỉ dẫn sau:
- Luôn dùng phanh chốt xe khi bạn dừng và phải đảm bảo trẻ không với tới bộ phận nhả phanh được. Loại xe có phanh hai bánh sẽ giúp tăng thêm độ an toàn.
- Luôn giữ khoảng cách an toàn với trẻ trong khi bạn đóng, mở xe và phải đảm bảo xe được chốt ở vị trí mở hoàn toàn khi đặt trẻ vào trong, vì trẻ có thể bị kẹp ngón tay vào phần khớp nối của xe, làm cả xe và bánh xe bị gập lại.
- Không nên treo các loại túi xách ở phần tay cầm của xe, vì chúng có thể làm xe bị nặng và lật.
- Nếu bạn dùng xe đẩy đôi, hãy mua loại có phần để chân nối liền giữa hai xe, vì loại rời sẽ có thể làm chân trẻ bị mắc vào khoảng hở ở giữa.
- Nếu bạn mua loại xe đẩy có chỗ cho trẻ lớn ngồi ở phía sau, hãy luôn chú ý đến những chỉ dẫn về trọng lượng và trông chừng để các bé không quá nghịch ngợm dẫn đến làm xe bị lật.
Bể bơi và an toàn dưới nước
Nước là một trong những mối nguy hiểm lớn mà trẻ sẽ phải đối mặt. Đuối nước là nguyên nhân gây ra tử vong do chấn thương phổ biến thứ hai ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 -14 tuổi tại Mĩ, trong đó nhóm có nguy cơ cao nhất là trẻ từ 1-4 tuổi. Đuối nước không tử vong có thể khiến trẻ phải nhập viện và gặp phải những tổn thương não vĩnh viễn.
Do đuối nước thường xảy ra rất nhanh và không gây nhiều tiếng động, nên những chú ý về an toàn khi ở gần môi trường nước là tối quan trọng. Mọi người đều nên học để biết bơi và biết các nguyên tắc an toàn cơ bản.
Nước là một môi trường nguy hiểm nên Viện Hàn lâm Nhi khoa Mĩ tin rằng các bậc cha mẹ không bao giờ, dù là chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, được để trẻ ở một mình gần những khu chứa nước dạng mở như hổ, bể bơi, hoặc gần những chỗ có nước ở trong nhà như bồn tắm, bể bơi đặt trong sân nhà, và bồn tắm thư giãn (spa). Người lớn khi có trách nhiệm trông trẻ phải tuân theo qui tắc “giám sát trong tầm tay” (tức là không để trẻ ra xa khỏi bạn một khoảng cách lớn hơn chiều dài một cánh tay trẻ) bất kể khi nào trẻ nhỏ ở trong, hoặc gần chỗ có nước. Các bậc cha mẹ đều nên học thủ thuật hồi sinh tim-phổi (CPR), và luôn đặt các thiết bị cấp cứu như phao cứu sinh và điện thoại ở gần bể bơi. Sau đây là một vài lời khuyên về an toàn dưới nước cho trẻ:
- Không nên ngộ nhận rằng trẻ cứ biết bơi là hoàn toàn được an toàn khi ở dưới nước.
- Trẻ em khi đi thuyền phải mặc áo phao đạt chuẩn vẽ an toàn trong mọi lúc, kể cả lúc ngủ.
- Không cho trẻ sơ sinh vào bể cho đến khi trẻ có thể tự điều khiển được đầu của mình, cũng như không được để trẻ sơ sinh bị ngập hoàn toàn trong nước. Trẻ nhỏ nếu liên tục bị nhấn vào nước có thể sẽ nuốt phải quá nhiều nước, dẫn đến bị nhiễm độc nước và hậu quả là trẻ có thể bị co giật, sốc, hoặc thậm chí tử vong.
- Tất cả trẻ em đều nên được học bơi. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mĩ có hỗ trợ các lớp học bơi chính thức cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, và cho trẻ từ 1-3 tuổi đã sẵn sàng cho việc học bơi. Mỗi trẻ có một tốc độ phát triển riêng, do đó cha mẹ nên cân nhắc đến các yếu tố như mức độ liên tục tiếp xúc với nước, mức độ phát triển tâm lý, khả năng phối hợp các bộ phận cơ thể, và các vấn đề sức khỏe khác liên quan tới việc bơi (như nuốt phải nước, phơi nhiễm với các hóa chất trong bể bơi) khi quyết định cho con mình học bơi. Mặc dù một số chương trình dạy bơi khẳng định rằng họ có thể dạy các kĩ năng sống sót dưới nước cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng, song đã có các bằng chứng cho thấy các chương trình này không có tác dụng đối với việc phòng ngừa đuối nước cho trẻ. Những bài học bơi không hề có tính chất “chống đuối nước” cho trẻ ở bất kì độ tuổi nào, vì thế cha mẹ vẫn luôn phải giám sát trẻ chặt chẽ, cũng như trang bị đủ các lớp phòng hộ cần thiết cho trẻ.
- Luôn cảnh giác với những vật chứa nước có kích thước nhỏ như đài phun nước, chậu nước hay thùng đựng nước mưa. Do đầu của trẻ nhỏ thường to và nặng, các bé sẽ không thể tự nâng đầu lên khỏi mặt nước khi bị mất thăng bằng và rơi vào các đồ chứa này. Bởi vậy, hãy luôn nhớ đổ hết nước trong các đồ đựng nước khi bạn đã dùng xong để đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Luôn đảm bảo rằng trẻ được giám sát chặt chẽ khi đang bơi, và tốt hơn hết là người giám sát là người được trang bị các kỹ năng CPR.
- Không cho phép trẻ chạy nhảy, chơi đùa hoặc đạp xe ở gần bể bơi, cũng như không cho phép trẻ mang các loại bát đĩa bằng thủy tinh hoặc bằng chất liệu dễ vỡ vào trong khu vực bể.
- Luôn chọn loại bể có các ranh giới độ sâu được đánh dấu rõ ràng khi cho trẻ vào bơi, và không để trẻ lặn kể cả ở chỗ bể nông.
- Không cho trẻ vào trong các bể thư giãn (spa) hoặc bồn tắm nước nóng.
- Luôn cho trẻ mặc áo phao bất kể khi trẻ đi bơi hay ngồi trên thuyền. Trẻ dưới 5 tuổi nên đeo phao cổ để giúp đầu trẻ luôn được giữ thẳng và mặt trẻ luôn được nhô lên khỏi mặt nước.
- Người lớn khi trông chừng trẻ chơi gần khu vực có nước cần tránh bị xao nhãng bởi các yếu tố như dùng đồ uống có cồn, nói chuyện điện thoại, hoặc làm việc trên máy vi tính.
Bể bơi gia đình
- Dùng rào chắn với chiều cao ít nhất khoảng lm để quây bể, nhằm tách biệt không gian giữa bể và phần còn lại của sân. Nên dùng loại cổng tự khóa và tự chốt, đồng thời luôn khóa cổng vào mọi lúc, kể cả trong mùa đông.
- Bạn nên cân nhắc đặt thêm một lớp bảo vệ bên ngoài, như nắp cứng để đóng miệng bể, hoặc thiết bị báo động bể bơi. Tuy nhiên, không nên coi những thiết bị này như vật thay thế cho hàng rào bảo vệ mà chúng chỉ mang tính chất tăng cường thêm.
- Bạn nên luôn mang theo người một chiếc điện thoại cầm tay hoặc điện thoại di động khi ở gần bể bơi.
- Luôn đặt cạnh bể bơi một bộ gồm phao cứu hộ, dây thừng kéo và sào cứu hộ không dẫn điện.
- Tháo cạn nước khỏi bể, hoặc dùng tấm nắp đậy kín bể khi không sử dụng.
- Học cách thao tác CPR. Các nghiên cứu cho thấy những trường hợp bị tai nạn về nước nếu được thực hiện CPR ngay lập tức sau khi đưa lên khỏi bể sẽ có khả năng được cứu sống cao, ngay cả khi các thao tác này chưa được thực hiện chính xác.
- Chỉ dùng đài hoặc các thiết bị chạy pin khi ở gần bể, vì các thiết bị sử dụng điện luôn gây nguy hiểm nếu đặt gần khu vực có nước.
Đề phòng trẻ bị động vật tấn công
Trẻ em thường dễ bị các loại động vật cắn hơn là người lớn, vì thế bạn cần đặc biệt cẩn trọng khi đưa trẻ mới sinh từ viện về nhà nếu gia đình bạn có thú nuôi. Trong 2-3 tuần tuổi đầu bạn cũng không được để trẻ ở một mình với động vật và phải giám sát cẩn thận các con vật nuôi trong nhà – chúng có thể sẽ thấy sợ hãi hoặc ghen tị với thành viên mới, song cảm giác này cần được xóa bỏ để chúng dần quen với mối quan hệ mới. Trường hợp bạn có trẻ nhỏ trong nhà và đang có kế hoạch mua một con vật nuôi, tốt nhất là hãy đợi cho đến khi trẻ đủ lớn để có thể điều khiển và chăm sóc được chúng (thường là đến khi trẻ được 5-6 tuổi).
- Nên chọn những con vật có tính khí hiền lành, tốt nhất nên chọn những con đã lớn, vì chó con và mèo con thường hay thích chơi đùa bằng cách cắn. Tuy nhiên, không nên chọn những con trước đó đã được nuôi lộn trong nhà không có trẻ nhỏ.
- Dạy trẻ cách vuốt ve chó và mèo nhẹ nhàng vào lưng chúng, thay vì đùa giỡn với phần mặt và đầu hoặc đuôi chúng. Không để trẻ trêu chọc các con vật bằng cách kéo đuôi hoặc giấu đồ chơi hay khúc xương ưa thích của chúng.
- Nghiêm khắc qui định trẻ không được quấy rầy vật nuôi khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ.
- Không để trẻ nhỏ ở một mình với vật nuôi, vì chúng chưa đủ khả năng nhận biết được trạng thái bực bội hoặc phấn khích của con vật.
- Cho thú nuôi tiêm phòng dại và các bệnh khác.
- Luôn tuân thủ luật “dùng dây dắt vật nuôi ở nơi công cộng” và luôn kiểm soát chặt chẽ vật nuôi của bạn.
- Dạy cho trẻ không được tiếp cận các con vật khác không phải là thú nuôi của nhà, bởi vì chúng có thể không muốn bị người lạ vuốt ve ngay cả khi có sự cho phép của người chủ.
- Nhắc nhở trẻ không được bỏ chạy, đạp xe, hoặc đá hay có những cử chỉ đe dọa khi bị một con chó lạ tới gần hoặc khi chúng sủa về phía trẻ. Thay vào đó, hãy hướng dẫn trẻ nhìn thẳng vào chúng rồi từ từ lùi lại phía sau cho đến khi thoát khỏi chú chó.
- Dạy trẻ biết giữ khoảng cách an toàn khi quan sát các con thú hoang, vì chúng có thể mang trong người những mầm bệnh nguy hiểm có thể lây lan sang cho người. Bạn không nên lại gần một con thú hoang khi chúng bị thương hoặc bị bệnh, có thái độ lạ hoặc quá vồ vập.
Thay vào đó, hãy gọi cho trung tâm kiểm soát động vật địa phương hoặc cơ quan về sức khỏe ở địa phương.