VIÊM AMIDAN CẤP TÍNH
Amidan nằm giữa đường hô hấp và đường tiêu hóa. Tại nơi này, có một tổ chức bạch huyết. Amidan tập trung thành từng khối ở họng. Amidan vòi ở quanh lỗ mũi vòi nhĩ. Amidan khẩu cái ở giữa trụ trước và trụ sau của vòm miệng. Amidan lưỡi ở đáy lưỡi, chữ V lưỡi.
Trẻ sinh ra đã có amidan là tổ chức bình thường ở người. Amidan phát triển ở giai đoạn thanh thiêu niên và teo dần khi đã trở thành người lớn. Nó có vai trò sản sinh ra các loại globuline miễn dịch. Vì vậy, hiện nay khi chỉ định cắt amidan, người thầy thuốc cần quan tâm đến chức năng này.
Trẻ từ 3-5 tuổi thường bị viêm amidan với tỉ lệ cao và gây nhiều biến chứng. Viêm amidan gặp nhiều về mùa lạnh là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn sẵn có trong họng bùng phát hay từ bên ngoài xâm nhập vào đường hô hấp trên gây viêm họng.
Chức năng điều hòa của tổ chức bạch huyết bị rối loạn do đó tổ chức bạch huyết phát triển rất mạnh. Nhiều hạch xuất hiện ở cổ họng quá phát dễ bị viêm nhiễm.
Cấu trúc amidan có nhiều khe, hốc là nơi cư trú, ẩn nấp cho các loại vi khuẩn phát triển gây bệnh.
* Biểu hiện lâm sàng:
Sốt rét run, nhiệt độ cao 39-40°C. Bệnh nhi mệt mỏi, nhức đầu, quấy khóc, bỏ chơi, bỏ học, ăn kém, ngủ kém.
Họng khô, nóng, rát và đau nhói từ họng lan lên tai, đau nhiều khi nuốt, khi ăn, khi nói, khi ho. Trẻ thở khò khè, đêm ngủ ngáy to.
Viêm nhiễm có thể lan xuống thanh khí quản gây ho từng cơn, đau và rát họng. Khi ho có nhiều nhầy trắng, khàn giọng,
Thăm khám phát hiện: Lưỡi trắng, miệng khô, niêm mạc họng đỏ rực. Amidan sưng to và đỏ. Các tổ chức thành sau họng là bạch huyết sưng to, đỏ. Thể viêm amidan đỏ, thường do virut gây nên. Amidan sưng to, đỏ, trên bề mặt amidan có nhiều chất chất mủ trắng là viêm amidan do vi khuẩn gây nên, thường gặp do liên cầu. Cần phân biệt với bạch cầu họng, lấy giả mạc tìm vi khuẩn. Giả mạc trắng, dính khó bóc, dễ chảy máu, không tan trong nước.
VIÊM AMIDAN MẠN TÍNH
Viêm amidan mạn tính gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, do bị viêm nhiễm nhiều lần. Trong quá trình viêm, có sự phản ứng của cơ thể làm cho amidan to ra là thể quá phát. Bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh.
* Biểu hiện lâm sàng:
Trẻ thường gầy yếu, da xanh, chậm phát triển, lười ăn, nhưng rất thèm ngủ, ngủ kém, đêm ngủ hay trằn trọc, hay sốt vặt.
Cổ họng nuốt vướng, khó thở, thở khò khè ở thể amidan, quá phát. Trẻ bị ngứa, rát họng, hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hôc amidan.
Bệnh nhi ho khan, hay ho từng cơn vào các buổi sáng thức dậy. Giọng nói mất âm thanh, thỉnh thoảng hơi khàn nhẹ.
Thăm khám phát hiện hai amidan to như hạt hạnh nhân ở hai bên thành họng, vượt qua hai trụ, có thể chạm vào nhau ở đường giữa. Niêm mạc đỏ. Trụ trước đỏ. Trong các hốc amidan, có ít mủ trắng. Có ba hình thể:
- Amidan có cuống: Là loại amidan to lòi ra ngoài hốc của nó. Mặt nhẵn có nhiều hốc, sờ thấy mềm.
- Amidan treo xuống: Phía cực trên có vẻ bằng phẳng không to, nhưng ở phía dưới treo thẳng xuống lưỡi, thanh thiệt. Cực dưới không nhìn rõ nếu không đè mạnh lưỡi xuống.
- Amidan lẩn: Thể này rất hay gặp. Trụ trước che phần lớn bờ trước amidan. Nếp tam giác che phần dưới của amidan, chỉ nhìn thấy phần trên của nó. Nhiều khi amidan chia ra từng múi lẫn vào màn hầu.
- Thể xơ teo: Thể này hay gặp ở người lớn.
Biến chứng của amidan: Viêm tấy quanh amidan, áp xe quanh amidan, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm tấy hạch dưới, viêm hạch thành sau họng.
Viêm thanh khí quản: Viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm thận. Trường hợp cá biệt gây nhiễm trùng huyết.
Mỗi biến chứng biểu hiện lâm sàng khác nhau. Do đó nên dựa vào các triệu chứng, phân loại chẩn đoán mới phù hợp và có phương pháp đặc trị.
- Điều trị:
Điều trị nội khoa: Trước tiên cho trẻ nằm nghỉ, ăn nhẹ bằng sữa, cháo thịt, súp thịt, uống nhiều nước cam, nước xoài, nước nhãn, nước dưa hấu.
Thuốc hạ nhiệt, chống co giật: Paracetamol ngày uống ba lần, mỗi lần từ 0,025-0,05g. Seduxen 5mg, nửa viên một lần trong ngày.
Nhỏ mũi: Sunfarin, coldi B, otrivin…
Cho trẻ súc họng bằng tinh dầu bạc hà, mỗi ngày một lần, súc nhiều ngày.
Điều trị ngoại khoa: Với viêm amidan mạn tính, điều trị nội khoa không còn tác dụng, vì đã mòn với các loại thuốc. Bác sĩ sẽ chỉ định cắt amidan, khi amidan gây biến chứng toàn thân. Trẻ chậm lớn, chậm phát triển, đe dọa viêm khớp, viêm màng tim, viêm thận.
- Phòng tránh: Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều sữa, chất đạm, trái cây, vitamin, đồng thời chăm sóc tốt các mặt: Tắm rửa toàn thân, ăn ngủ, vui chơi, học tập.
Vệ sinh mũi họng: Cho trẻ chải răng hàng ngày hai lần, sáng thức dậy, tối trước khi đi ngủ và sau bữa ăn. Súc họng bằng nước muối sinh lí tinh khiết hay nước bicarbonat.
Hàng ngày cho trẻ tập luyện thân thể, thở hít không khí trong lành, thỉnh thoảng đi bách bộ, du ngoạn phong cảnh thiên nhiên nhằm thay đổi không khí như đi tắm biển, đi du lịch…
Tránh cho trẻ ăn chất lạnh như kem, nước đá. Khi thời tiết lạnh cần ăn thức ăn nóng, uống nước đun sôi để ấm, mặc quần áo ấm, đi bít tất, đi găng tay, nhỏ thuốc mũi sunfarin, naphazolin, argyron…
Điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm amidan, không để kéo dài, tránh những biến chứng xảy ra.