Mỗi đứa trẻ sinh ra với một tính khí – tính cách và thiên hướng – với một số đặc điểm nổi bật hơn so với những đặc điểm khác. Các bậc phụ huynh thường rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng đứa con mới sinh của họ dường như đã sẵn có tính phiêu lưu hay tính ngần ngại, nóng vội hay cam chịu, thoải mái hay nhút nhát. Một số trẻ có xu hướng dễ rơi vào trạng thái tinh thần tiêu cực hơn, khó thích ứng, hoặc nhạy cảm và dễ phản ứng hơn, kết quả là các bé dễ bị làm cho bực bội hơn. Mặc dù bản tính tự nhiên cơ bản của trẻ là mang tính bẩm sinh, tính khí và cách nhìn nhận của bé lại bị ảnh hưởng từ kinh nghiệm, phản ứng với cha mẹ và người khác và ý thức về giá trị bản thân của bé.
Cũng như người lớn, phần lớn trẻ nhỏ cũng có những lúc cảm thấy bực bội, lo lắng hoặc nóng nảy. Con bạn đôi khi không thể nói được với bạn lý do, vì bé không thể chỉ được ra vấn đề hoặc chưa thể tự mình diễn đạt bằng lời nói. Nhìn chung, một nguyên nhân nghiêm trọng về thể xác hoặc tâm lý gây khó chịu khiến cho trẻ hành động khác xa so với hành vi thường ngày của bé. Nếu một đứa trẻ thường xuyên có vẻ cáu kỉnh, có thể ẩn bên dưới là một vấn đề sức khỏe hoặc các yếu tố gây căng thẳng ở môi trường gia đình hoặc trường học. Điều quan trọng là phải nhận biết được sự khác biệt giữa một tâm trạng thoáng qua với một cơn khóc quấy là tín hiệu cho việc bé cần sự chú ý của bạn để xử lý cơn sốt, đau, lạnh, nóng, đói, hoặc những nguyên nhân khó chịu do thể chất khác. Một tâm trạng bực mình thỉnh thoảng xuất hiện có thể không nghiêm trọng, nhưng một đứa trẻ gần như lúc nào cũng bực bội thì cần được chú ý về mặt y tế, phát triển hoặc tâm lý. Nhiều trẻ từ 2 tuần đến 6 tháng tuổi này đều có những cơn khóc quấy và đau bụng. Mặc dù hiện tượng này khi kéo dài sẽ rất khó chịu đối với các bậc phụ huynh, nhưng kiểu cáu kỉnh này không phải là triệu chứng bệnh và thường tự hết khi bé được 6 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn. Một trẻ ở khoảng giữa 18 tháng và 3 tuổi có thể cảm thấy nản lòng khi học những cách giao tiếp tốt hơn với những điều xung quanh, dẫn đến cảm giác bực bội. Giai đoạn này sẽ qua đi khi trẻ dần trở nên độc lập hơn. Không có gì là bất thường khi một trẻ ở tuổi thiếu niên cáu kỉnh trong những lúc tâm trạng thay đổi liên tục, gắn liền với thời kỳ dậy thì, những thay đổi trong nội tiết tố, áp lực học tập và có thể là tâm trạng phiền muộn.
Gọi bác sĩ nhi nếu con bạn cáu kỉnh bất thường và:
- Sốt cao hơn 38°c
- Đau, bao gồm đau họng, cứng cổ, đau đầu
- Uể oải bất thường
- Nôn không kèm tiêu chảy
- Quấy khóc kinh khủng, không thể dỗ được bé
- Giảm chất lượng học tập ở trường
- Hung hăng hơn
- Có triệu chứng cảm.
CẢNH BÁO!
Đừng tảng lờ sự cáu kỉnh đó đi và hy vọng rằng nó sẽ tự qua đi. Nêu nguyên nhân thuộc về thể xác, sự cáu kỉnh nên được xác định rõ. Nếu căng thẳng đang thay đồi tâm trạng của bé, nguyên nhân nên được xác định và, nếu có thể, hãy loại bỏ nó.
Đối phó với sự cáu kỉnh
Mặc dù con bạn có khuynh hướng tính cách của riêng mình, bé đồng thời cũng bắt chước những tấm gương khác mà bé nhìn thấy. Nếu bé thường xuyên nhận được những phản ứng cáu kỉnh, mất kiên nhẫn với những câu hỏi của bé, chẳng sớm thì muộn bé cũng sẽ bắt chước hành vi đó và đối xử tương tự với người khác. Nếu bé có vẻ như thường xuyên cáu kỉnh, bực bội mà không có vấn đề về sức khỏe có thể gây ra cảm giác khó chịu, hãy thử xem xét những tác nhân có thể có trong môi trường của bé, những thay đổi trong các mối quan hệ bạn bè, những thay đổi và các yếu tố gây căng thẳng về tâm lý, cùng những nguyên nhân thay đổi tâm trạng khác có thể có. Hãy tránh đặt bé vào những tình huống khó, để cho bé thể hiện ý kiến của mình, đừng hỏi bé có muốn làm việc gì đó không khi thực ra ý bạn muốn bé làm việc đó.
MỐI BẬN TÂM CỦA BẠN | NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ CÓ | HÀNH ĐỘNG CẦN THỰC HIỆN |
Con bạn lớn hơn 3 tháng tuổi, và nhiệt độ của bé cao hơn 38°c. Bé hay quấy. | Nhiễm virus hoặc vi khuẩn. | Gọi bác sĩ nhi, họ có thể khám cho bé và sẽ đưa ra phương pháp điều trị cần thiết. |
Con bạn là trẻ sơ sinh hoặc lớn hơn, bị sổ mũi và chảy nước mũi. Bé đang bị ho. | Cảm lạnh thường. Một dạng nhiễm trùng đường hô hấp trên khác. | Gọi bác sĩ nhi xin lời khuyên. |
Con bạn đang tập đi và khập khiễng hoặc ôm một bên chân. Có vết sưng, tây đỏ hoặc âm. | Gãy xương, nhiễm trùng hoặc chấn thương cẳng chân hoặc hông. | Gọi bác sĩ nhi để khám và chụp X-quang, nếu cần |
Sáng nào con bạn cũng cáu kỉnh khi thức dậy. Bé thường thở bằng miệng vì mũi bị ngạt. Bé lúc nào cũng mệt mỏi. | Dị ứng. Giấc ngủ bị gián đoạn do sưng a-mi-đan hoặc viêm VA và nghẹt đường thở trên. Chứng ngạt thở khi ngủ. | Nói chuyện với bác sĩ, họ sẽ khám cho bé để kiểm tra các dấu hiệu dị ứng mãn tính, sưng a-mi-đan hoặc VA, và nghẹt đường khí trên và đưa ra cách điều trị cần thiết. |
Phân của con bạn là những viên cứng. Mấy ngày nay bé không đi ngoài được. Bé kêu đau bụng. | Táo bón | Đưa vào chế độ ăn của gia đình nhiều rau tươi, hoa quả và những nguồn chất xơ khác; khuyến khích con uống vài cốc nước hoặc nước hoa quả pha loãng một ngày. |
Con bạn ở tuổi đi học, lúc nào cũng cáu kỉnh và mệt mỏi. Bé đi ngủ muộn. Bé có tham gia vào các hoạt động sau giờ học ở trường. | Ngủ không đủ. Vấn đề về sức khỏe cần được điều trị. | Lịch hoạt động của bé có thể vượt qua khả năng của bé. Hãy cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn và đảm bảo bé vẫn được luyện tập đủ. Nếu những biện pháp này không có tác dụng, hoặc nếu bé có những triệu chứng khác, hãy gọi bác sĩ nhi để bố trí một buổi khám. |
Con bạn ở tuổi đi học, hay cáu, lo lắng hoặc dễ mất tập trung. | Căng thẳng cảm xúc do các vấn đề học tập hay xã hội ở trường. Căng thẳng trong gia đình. | Nếu gia đình bạn đang có căng thẳng, hãy giải thích về tình hình đó mà không gây áp lực cho bé; cố gắng gây ít tác động nhất tới bé. Hỏi han cũng có thể cho bạn một ý tưởng về những điều đang làm bé buồn lòng ở trường. Hãy nói chuyện với giáo viên để xác định các vấn đề. |
Con bạn gắt gỏng mà không có triệu chứng ốm. | Thể hiện dấu hiệu suy sụp. | Thảo luận cùng bác sĩ nhi về những biện pháp thích hợp. Để cho bé đưa ra lựa chọn của mình khi có thể. |