CÁC DƯỢC LIỆU CHỨA DẪN CHẤT QUINON
Cây óc chóJuglans regia L., họ Óc chó – Juglandaceae.
            Cây to cao có thể hơn 20m. Lá kép lông chim, 5 – 7 lá chét, cuống phình to. Hoa đơn tính cùng gốc. Cụm hoa đuôi sóc. Quả hạch, đường kính chừng 3 – 4cm. Hạt chia thành 4 thùy, có nhiều rãnh nhăn nheo trông giống như  óc do đó có tên là quả óc chó. Quả chín vào tháng 9 – 10. Ở miền Bắc nước ta có ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang.
            Thành phần kháng khuẩn: Chất juglon (= 5 – hydroxy 1, 4 – naphtoquinon) có trong quả xanh, kết tinh màu đỏ cam trong dung môi chloroform hoặc benzen, đ.c. 153 – 154°C, rất tan trong chloroform, acid acetic nóng, ethanol, ether, không tan trong nước, tan trong dung dịch NaOH cho màu tía, với H2SO4 đậm đặc cho màu đỏ. Bên cạnh juglon còn tồn tại dạng khử: a -hydrojuglon – 4 – b- O – glucosid. Quả còn chứa một flavonoid là juglanin.
            Tác dụng kháng khuẩn: Candida mycoderma, Corynebacterium diphteriae, Bacillus antracoides, B. anthracis, B. Subtilis, Hansenula anomala, Botrys cinerea và nhiều loài nấm mốc.
            Công dụng.
            Vỏ quả đã biết dùng từ thời cổ Hy Lạp và La Mã để chữa bệnh herpes. Juglon đã được bào chế dưới dạng thuốc mỡ với vaselin hoặc lanolin để chữa eczema, vẩy nến và các bệnh chốc lở khác. Thuốc mỡ 1 – 4% thêm vào 5 -10% anesthesin, cồn nước 1:5:000 – 1:10:000 và dung dịch ether 1 – 4% để bôi tại chổ.
            Trong y học cổ truyền dùng hạt để trị ho, viêm phế quản.
Bạch hoa xà (= cây đuôi công) – Plumbago zeylanica L., họ Đuôi công – Plumbaginaceae.
            Cỏ sống dai cao 0,60m lá mọc so le, hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên, nhẵn. Hoa màu trắng mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Đài hoa có lông dài, nhớt. Tràng dài gấp 2 lần đài. Mùa hoa gần như quanh năm. Cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta.
            Thành phần kháng khuẩn: Chất plumbagin (= 2 – methyl – 5 – hydroxy – 1, 4 – naphtoquinon). Plumbagin kết tinh hình kim màu vàng cam từ ethanol đ.c. 78 – 79°C, tan trong các dung dịch kiềm, hơi tan trong nước nóng. Plumbagin cho màu đỏ với sắt ba chlorid và cho dẫn chất acetyl màu vàng đ.c. 117-118°C. Bộ phận chứa plumbagin nhiều nhất là rễ; chiết xuất bằng ether, bốc hơi rồi hòa cắn trong nước nóng, để lạnh plumbagin sẽ kết tinh, tinh chế bằng kết tinh lại trong alcol và ether.
            Tác dụng kháng khuẩn: Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes Pneumococcus bị kìm hãm ở nồng độ 1:100.000, Mycobacterium tuberculosis ở 1:50.000, Escherichia coliSalmonella typhi ở 1:10.000. Nếu nồng độ cao hơn thì plumbagin có tác dụng diệt các vi khuẩn trên. Plumbagin còn có tác dụng lên Bacterium typhi, Bacillus subtilis, Candida albicans, Candida tropicalis, Trichophyton ferrugineum và một số vi khuẩn khác. Trong cây còn có chất biplumbagin là một dimer của plumbagin.
            Công dụng.
            Trong phạm vi nhân dân, cây bạch hoa xà được dùng làm thuốc chữa các bệnh ngoài da, những vết loét, vết thương, chữa ghẻ. Plumbagin đã được Bộ Y tế Liên Xô cũ cho phép dùng làm chất bảo quản để chống vi khuẩn trong các loại nước uống không chứa rượu, làm chất bảo quản các loại đồ hộp, rau quả.
Drosera. Một số loài Drosera thuộc họ Gọng vó – Droseraceae: Drosera rotundifolia L., D. longifolia L., D. intermedia Hayne. Đây là những loại cỏ có các lá mọc thành hoa thị ở gốc, trên lá có phủ lông tuyến để bắt những sâu bọ nhỏ bé. Các loài Drosera trên có chứa plumbagin và droseron (=2-methyl-3, 5 – dihydroxy -1, 4 – naphtoquinon).
            Droseron có tác dụng lên Mycobacterium tuberculosis với nồng độ 10- 40mg/ml. Drosera còn có tác dụng chống co thắt do đó được bào chế dưới các dạng  rượu thuốc, xirô, thuốc hãm, thuốc cao để chữa ho gà và chữa ho. Ở ta có cây gọng vó – D. indica L. và cây bèo đất (= cỏ tĩ gà) – D. burmanni Vahl. có thể nghiên cứu dùng làm thuốc chữa ho.
Cây Lá móng – Lawsonia inermis L., họ Tử vi – Lythraceae.
            Cây nhỡ cao 3 – 4m, lá đơn nguyên, mọc đối. Hoa vàng, trắng, đỏ, thơm, mọc thành chùm gồm nhiều xim. Hoa nhỏ, quả nang bằng hạt tiêu, bao bọc bởi đài còn lại chứa nhiều hạt nhỏ màu nâu đỏ. Cây mọc hoang và được trồng ở nước ta. Trước đây nhân dân ta dùng lá để nhuộm móng tay, móng chân trong dịp tết đoan ngọ nên mới gọi là lá móng.
            Thành phần kháng khuẩn: Lawson (2-hydroxy-1,4 naphtoquinon)
            Tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm:
Mycobacterium tuberculosis, Aspergillus flavus, A. niger, A. fumigatus ở nồng độ 10 – 40mg/ml bị ức chế ngoài ra còn có tác dụng lên Acetobacter aceti, A. xylinum, Lactobacterium breve, L. plantarum, Hansenula anomala, Saccharomyces vini ở nồng độ 200- 1000mg/ml (theo Serbanospski và Subina, 1975).
            Alb. el. Malek và các người khác (1973), từ dịch chiết lá bằng ethanol, tách bằng  S.K.L.M. được 4 thành phần có tác dụng kháng khuẩn, trong đó xác định được 3: Lawson, 1, 4 – naphtoquinon và acid gallic. Tác giả thấy dịch chiết từ lá có diện kháng khuẩn rộng đối với các loại vi khuẩn: Staphylococcus, Streptococcus, BrucellaSalmonella nhưng không tác dụng lên Pseudomonas aeruginosaCandida albicans.
            Trong lá móng còn có 5 – alloxy 7 – hydroxy – coumarin, các triterpenoid và các thành phần khác.
            Công dụng.
            Chữa lở loét, hắc lào, chữa ho, viêm khí quản.
Cây bóng nướcImpatiens balsamina L., họ Bóng nước – Balsaminaceae.
            Cây bóng nước được trồng làm cây cảnh ở các vườn hoa. Hoa bóng nước có 3 dẫn chất naphtoquinon đã được phân lập: Lawson, 2-methoxy 1,4 – naphtoquinon   (I) và 2, 3 – dimethoxy – 1, 4 – naphtoquinon (II). Chất (I) có tác dụng lên các vi khuẩn Staphylococcus aureus, Candida albicans, Glaucoma piriformis, Sclerotina fructicola và một số vi khuẩn khác. Chất (II) có tác dụng lên Sclerotina fructicola.
            Sâm đại hànhEleutherine subaphylla Gagnep., họ La dơn – Iridaceae.
            Sâm đại hành  còn có tên là tỏi lào, là cây thảo sống dai cao 30cm. Dò hình trứng dài 4 – 5cm, đường kính 2 – 3cm, giống như củ hành nhưng dài hơn, bên ngoài phủ vẩy màu đỏ nâu, phía bên trong màu nâu hồng đến đỏ nâu. Lá hình mác, gân lá song song, dài 40 – 50cm, rộng 3 – 5cm. Từ  dò mọc lên một cán mang hoa dài 30 – 40cm. Hoa mọc thành chùm, 3 lá đài, 3 cánh hoa màu trắng hay vàng nhạt, 3 nhị màu vàng.
            Sâm đại hành mọc hoang và hiện nay được trồng lấy dò làm thuốc ở nhiều nơi trong nước ta.
            Thành phần kháng khuẩn: Năm 1973, Lê văn Hồng và Nguyễn văn Đàn xác định được 3 chất là eleutherin, isoeleutherin, eleutherol.
            Eleutherin và isoeleutherin thuộc loại naphtoquinon còn eleutherol là 1 dẫn chất lacton.
            Tác dụng kháng khuẩn của eleutherin: Diplococcus pneumoniae, Streptococcus hemolyticus, Staphylococcus aureus, tác dụng yếu hơn đối với Shigella flexneri, Shiga, Bacillus mycoides, B. anthracis; không tác dụng đối với Escherichia coli, Bacillus pyocyaneus, B. diphteriae.
            Công dụng: Trên lâm sàng thấy có tác dụng tốt đối với chốc đầu trẻ em, nhọt đầu đinh, viêm họng, viêm da, chàm nhiễm trùng, tổ đỉa, vẩy nến.
            Ngoài ra sâm đại hành còn được dùng làm thuốc bổ máu, chữa mệt mỏi. Dùng dưới dạng thuốc sắc, dạng rượu hoặc chế thành viên. Ngày dùng 4 – 12g khô hoặc 12 -30g tươi.
            Trên đây là các dược liệu có tác dụng kháng khuẩn mà thành phần có tác dụng là các dẫn chất naphtoquinon. Người ta cho rằng các quinon có tác dụng với nhóm HS của các enzym, đóng vai trò ức chế các qúa trình mà ở đó các chất có chứa nhóm HS tham gia. Các dẫn chất với nhóm CH3 hoặc OCH3 ở vị trí 2 hay OH ở vị trí 5 có hoạt tính kháng khuẩn mạnh. Khi OH ở vị trí 2 (như Lawson) thì giảm hoạt tính. Nếu khóa nhóm CO (ví dụ ngưng tụ với 2, 4 – dinitrophenylhydrazin) thì mất tính kháng khuẩn. Đặc biệt chất Lapachol có nhóm isopropenyl ở vị trí 3 và nhóm OH ở vị trí 2 lại có hoạt tính chống ung thư đã được thí nghiệm trên lâm sàng. Lapachol có trong một số cây thuộc họ Núc nác – Bignoniaceae và họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae.
            Ngoài các dẫn chất naphtoquinon, người ta cũng biết nhiều đến tính kháng khuẩn của các dẫn chất benzoquinon và anthraquinon:
            Primin (= 2 – methoxy – 6n – amyl – 1, 4 – benzoquinon) có trong họ Báo xuân – Primulaceae, có tác dụng lên Bacillus subtilis, B. anthracis, Microsporon citreus ở nồng độ 3 – 10 mg/ml, Candida crusei 20 – 50 mg/ml và Escherichia coli 30 – 50mg/ml. Các dẫn chất benzoquinon khác như 2, 6 – dimethoxy- 1, 4 – benzoquinon có trong Adonis vernalis, miconidin (= priminhydroquinon) có trong rễ cây Miconia sp. cũng có tác dụng kháng khuẩn.
            Các dẫn chất anthraquinon như purprin (= 1, 2, 4 – trihydroxyanthraquinon) có tác dụng lên Mycobacterium tuberculosis.
            Rhein có tác dụng lên Photobacterium fischeri > 0,25mg/ml, Bacillus mycoides 4mg/ml, Mycobacterium tuberculosis 20 – 40mg/ml, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis 8mg/ml và 1 số vi khuẩn khác.
            Tectoquinon (= 2-methyl – anthraquinon) có trong gỗ tếch – Tectona grandis L. Và emodin cũng có tác dụng kháng Mycobacterium tuberculosis ở nồng độ 20 – 40mg/ml.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng