Viêm não do muỗi (viêm não mùa thu, viêm não Nhật bản, viêm não B) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có ổ bệnh trong thiên nhiên.

Năm 1924, bệnh này đã làm cho người ta phải chú ý, trong đó ở Nhật bản đã phát sinh ra một vụ dịch lớn làm chết nhiều người. Mãi đến năm 1933, Hayami mới phân lập được tác nhân gây bệnh. Năm 1939, Smorodintsev và Chubladze đã đề ra phương pháp phòng bệnh đặc hiệu.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀ CHẨN ĐOÁN BẰNG XÉT NGHIỆM

  1. Tác nhân gây bệnh:

Là một virut nhỏ ; độ lớn là 15-30nm. Virut viêm não Nhật bản kém bền vững khi ở ngoài cơ thể ; mất hoạt lực ở 56° trong 30 phút hoặc bởi 0,2% focmalin mà không mất tính chất kháng nguyên. Virut có thể nuôi cấy trong phôi gà (bằng cách tiêm vào túi lòng đỏ) ; phát triển trên tế bào thận khỉ và có thể gây tổn thương cho tế bào sau khi đã thích ứng. Virut có ngưng kết tố làm ngưng kết hồng cầu gà.

Có thể gây bệnh thực nghiệm cho chuột bạch và khỉ bằng cách tiêm vào não, 3-8 ngày sau chuột sẽ bị liệt, co giật rồi chết. Nếu dùng chuột bạch đang bú thì có thể tiêm bằng đường khác.

Các mẫu virut phân lập được ở các nước khác nhau như Liên Xô, Triều Tiên, Nhật bản, Việt Nam V.V..) đều giống nhau về tính chất sinh học và cấu trúc kháng nguyên.

+ Bệnh sinh : virut viêm não Nhật bản vào cơ thể người qua vết đốt của muỗi và lan truyền theo dòng máu vào tố chức thần kinh và sinh sản chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương. Thời kỳ ủ bệnh là từ 4-60 ngày. Tổn thương ở hệ thần kinh trung ương là viêm não tuỷ, có những biến đổi rất rõ rệt ở cuống não và các nhân dáy não. Trong thời kỳ cấp tính của bệnh, virut có thể phân lập từ máu, nước não tuỷ và cả từ nước tiểu ; tuy nhiên, virut tập trung chủ yếu ở tổ chức não. Đến một thời kỳ bệnh khỏi, virut bị tiêu diệt bởi các yếu tố miễn dịch. Miễn dịch được tạo thành rất lâu bền và ít khi bị nhiễm lại.

+ Biểu hiện lâm sàng : viêm não Nhật bản là một bệnh nặng làm chết nhiều người. Trong vụ dịch năm 1924 ở Nhật bản, tỷ lệ tử vong lên tới 60% ; ở Liên Xô, tỷ lệ chết trong vụ dịch 1938 là 53%, trong vụ dịch 1941 là 25%, trung bình là 44,8%. Tuy nhiên, bệnh này không luôn luôn tiến triển nặng, mà cũng có thể nhẹ (sốt nhẹ, nhức dầu). Ngoài ra, còn có những thể nhiễm trùng không có triệu chứng, vì người ta đã phát hiện được những kháng thể từ máu những người sống trong Ổ dịch, nhưng chưa bao giờ mắc bệnh.

  1. Chẩn đoán bằng xét nghiệm :

Phát hiện viêm não Nhật bản bằng cách phân lập virut (từ não của tử thi) hoặc bằng các phản ứng huyết thanh như :

  • Phản ứng kết hợp bổ thể
  • Phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu gà
  • Phản ứng trung hoà virut

Chẩn đoán viêm não B sẽ trở nên khó khăn, nếu trước kia người bệnh đã bị nhiễm một loại virut cũng thuộc nhóm B. Chính vì vậy mà cần phải làm nhiều phản ứng với nhiều loại kháng nguyên hay virut khác nhau.

QUÁ TRÌNH TRUYỀN NHIỄM

  1. Nguồn truyền nhiễm :

Nguồn truyền nhiễm có thể là người ốm và người lành mang virut. ở Nhật bản tỷ lệ người ốm so với người lành mang virut là 1/500-1/10.000.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ trong thiên nhiên, ổ chứa virut là nhiều loài động vật máu nóng, nhất là các súc vật gậm nhấm nhỏ và chim thuộc họ chim sẻ (Frosseriformes). Ớ Nhật Bản, virut viêm não đã được phân lập từ chuột và chim sẻ. Các kháng thể trung hoà virut đã thấy ở chó, lợn, dê, cừu. ở Liên Xô, virut đã được phân lập từ các loài chim thuộc họ hoặc chim sẻ và từ ngựa.

Những động vật hoang dại, kể cả chim bị nhiễm trùng không có triệu chứng, cho nên cơ thể chúng thường nhanh chóng giải phóng hết virut.

  1. Đường truyền nhiễm :

Môi giới truyền bệnh viêm não B là muỗi thuộc loài Culex và Aedes. Các muỗi này sống trong thiên nhiên hoang dại. Vì vậy, những ổ viêm não do muỗi ở Liên Xô thường thấy ở những nơi đất thấp, nhiều hồ ao và đồng lầy thưa dân cư. Trong một vài trường hợp ổ bệnh đã thấy ở những vùng có rừng. Nhưng ở Nhật Bản và Triều Tiên, các muỗi này tìm thấy những điều kiện thuận lợi để sống tại các vùng lân cận làng mạc và thành phố. Môi giới chính thay đổi tuỳ theo từng dòng. Muỗi truyền bệnh viêm não là c. tritaeniorhynchus ở Nhật Bản, c.golidus ở Malaixia.

Muỗi bị nhiễm virut sẽ mang virut suốt đời, chúng được bảo vệ trong mùa đông và truyền cho thế hệ sau qua buồng trứng. Sự phát triển của virut viêm não ở trong cơ thể muỗi phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài, ở 27-30° có rất nhiều virut tích tụ trong cơ thể muỗi ; nhưng khi nhiệt độ dưới 20° thì sự phát triển của virut trong cơ thể muỗi bị kìm hãm. Cho nên, phạm vi của một số ổ viêm não do muỗi hẹp hơn so với phạm vi của muỗi, ở Nhật Bản, các vụ dịch lớn đã xảy ra trong mùa nóng. Ớ Liên Xô, các trường hợp viêm não chỉ thấy trong mùa đặc biệt nóng.

  1. Tính cảm thụ và tính miễn dịch :

Vấn đề tính tiếp thụ của dân chúng đối với bệnh viêm não B chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tại những nơi có bệnh này, việc phát hiện kháng thể trung hòa virut, viêm não ở những người lành, đã chứng tỏ rằng không phải mọi trường hợp bị nhiễm đều có biểu hiện lâm sàng. Các quan sát chứng minh rằng nhiều yếu tố quyết định mức độ nặng nhẹ của nhiễm. Nhiều tác giả cho rằng ở Nhật Bản, bệnh tiến triển nặng và mắc bệnh cao trong nông dân là do sức đề kháng của cơ thể bị giảm vì làm việc dưới nóng bức trên cánh đồng lúa.

Những người bị nhiễm virut sẽ có miễn dịch lâu bền và ít khi bị nhiễm khuẩn lại.

ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ

+ Viêm não B thấy ở các nước Đông á, từ vùng biển Xiberi tiếp cận với Vladi- vostok ở phía Bắc tới vùng đông Ân Độ, ở phía nam (như sông Siberi, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Indonexia).

+ Ở các nước có khí hậu ôn hoà, bệnh thường xuất hiện vào mùa nóng vì muỗi có nhiều và hoạt động mạnh. Còn ở các nước có khí hậu nóng và thời kỳ hoạt động của muỗi dài lâu, thì bệnh có thể xảy ra suốt năm, nhưng nhiều hơn vào mùa nóng.

+ Mức độ mắc bệnh gắn liền với hoạt động sản xuất, không phân biệt lứa tuổi. Viêm não Nhật Bản thấy nhiều ở nông dân và các người đến khai hoang ở các vùng có ổ bệnh thiên nhiên, ở Nhật Bản, khi phân tích 3.295 trường hợp bệnh, đã thấy 63% người bệnh là nông dân.

BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH

Gồm : diệt muỗi và không để muỗi đốt tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động

  1. Diệt muỗi và không để muỗi đốt. Diệt muỗi trưởng thành bằng hexacloran, ngăn muỗi vào nhà bằng cách căng lưới kim loại ở cửa sổ và nằm màn. cải tạo đồng lầy, diệt bọ gậy bằng chất độc và dầu mỏ.

Ở những vùng dân cư thưa thớt có ổ bệnh thì những biện pháp bảo vệ cá nhân rất quan trọng : nằm màn, đeo mạng che mặt tẩm thuốc xoa muỗi.

Việc phát hiện sớm và cách ly người bệnh ở bệnh viện rất quan trọng vì sự tiến triển nặng hay nhẹ tuỳ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc người bệnh và tiêm huyết thanh điều trị kịp thời. Buồng bệnh phải sạch sẽ và phòng được muỗi vào.

  1. Tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động:

Các nhóm người dễ bị nhiễm khuẩn được tiêm vacxin chế từ virut sinh sản trong não chuột bạch và bị diệt bởi focmalin. Tiêm dưới da 2 lần (2 và 3ml) cách nhau 10-15 ngày. Hàng năm phải tiêm vào tháng 4 và tháng 5.

Ngoài ra còn có vacxin chết từ virut sinh sản trên phôi gà và cũng làm mất hoạt lực.

Hiện nay vacxin viêm não đang được sử dụng phổ biến ở nước ta, trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vacxin có tác dụng bảo vệ khối cảm nhiễm rất hiệu quả.

0/50 ratings
Bình luận đóng