Trong y văn, bệnh viêm gan virut A đã được nghiên cứu nhiều, và mang nhiều tên lịch sử khác nhau: viêm gan truyền nhiễm, viêm gan phát dịch, vàng da phát dịch, dịch vàng da viêm long, viêm gan typ A nay thống nhất gọi là viêm gan virut A.

Bệnh nguyên

Là virut viêm gan A, thường được viết tắt là HAV (hepatitis A virus). Virut viêm gan A là một picornavirus có kích thước 27nm , đó là một virut có sợi dương RNA. Virut này được xếp loại là enterovirus typ 72, nhóm Hepa- tovirus, trong họ Picornaviridae. Tính kháng nguyên cao, gây miễn dịch lâu bền. Dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100°c.

Bệnh sinh

Virut xâm nhập vào cơ thể theo thức ăn hoặc nước uống . Sau khi vào cơ thể, virut ký sinh nội bào suốt cả niêm mạc tiêu hoá, liều virut ăn uống phải càng lớn thì tế bào tổn thương càng nhiều, một mặt virut được đào thải ra theo phân, mặt khác vì có ái tính với tế bào gan nên virut xâm nhập tế bào gan ký sinh ở đó, huỷ hoại tế bào gan nhiều hay ít tuỳ thuộc bị nhiễm nhiều hay ít, và biểu hiện vàng da rõ hoặc mờ nhạt, và có nhiều trường hợp bị nhiễm mà không có biểu hiện vàng da. Kháng thể đặc hiệu xuất hiện tương đối sớm nên virut được đào thải ra theo phân lâu nhất cũng chỉ từ 7 đến 10 ngày sau khi xuất hiện vàng da.

Đặc điểm dịch tễ

Dịch viêm gan A xuất hiện khắp nơi trên thế giới, ở xứ nóng cũng như ở các xứ lạnh. Trước đây người ta gặp nhiều những vụ dịch lớn trở đi trở lại vì tính chất chu kỳ khoảng 10 năm 1 lần. Nay thấy xuất hiện nhiều những vụ dịch nhỏ hoặc tản phát nhiều hơn. Với khả năng miễn dịch khá vững bền, ở những nước đang phát triển, có tình trạng vệ sinh yếu kém, bệnh lan tràn rộng rãi nên trẻ đã bị nhiễm từ tuổi nhỏ với nhiều thể nhẹ, ít có vàng da, nên lớn lên chúng đã được miễn dịch, ít có dịch xảy ra ở người lớn. Còn ở những nước công nghiệp phát triển nhiều cơ thể trưởng thành vẫn còn cảm nhiễm và thường gặp các vụ dịch ở người lớn, trong khi đó đối với trẻ em thì nhiễm bệnh chủ yếu trong các gia đình, hoặc trong các nhà trẻ.

Quá trình dịch

Nguồn truyền nhiễm: cho đến nay người ta vẫn xác định người là nguồn truyền nhiễm duy nhất. Người bệnh đào thải virut theo phân rất sớm, trước khi xuất hiện vàng da. Cùng với những người bệnh thể điển hình, các thể bệnh không điển hình, những thể vàng da rất nặng hoặc rất nhẹ, cũng đều đào thải HAV ra theo phân từ 1 tuần đến 2 tuần trước khi xuất hiện vàng da, và cũng chỉ kéo dài sau khi xuất hiện vàng da vài ngày, nhiều nhất cũng chỉ còn đào thải virut HAV.một tuần sau khi xuất hiện vàng da. Còn với những thể không vàng da,

khó xác định hơn, người ta cho rằng những cơ thể này có thể bắt đầu đào thải ra HAV theo phân 2 tuần sau khi bị nhiễm và kéo dài trong khoảng một tháng sau đó, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh đẻ non thời kỳ này còn kéo dài lâu hơn nữa.

Đường truyền nhiễm

Viêm gan A lan truyền theo đường phân-miệng, qua thức ăn, nước uống giống như các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hoá khác, song có khả năng phân tán mạnh hơn rộng rãi hơn với các loại thực phẩm bị nhiễm HAV bởi người chế biến, có thể gây những vụ dịch bùng nổ lớn trong cộng đồng, đặc biệt là các loại thực phẩm không được nấu chín, hoặc chế biến lại bằng tay sau khi nấu chín, cũng như các loại rau sống rửa phải nước bị nhiễm bẩn.

Khối cảm nhiễm

Mọi người đều cảm nhiễm với bệnh viêm gan A. ở những nơi có lưu hành HAV, trẻ nhỏ bị cảm nhiễm dễ dàng song phần lớn biểu hiện vàng da nhẹ, hoặc không có vàng da, nhưng vẫn thu được miễn dịch bền vững, nên ở những nơi này không gặp những vụ dịch quan trọng ở người lớn.

Phòng chống dịch

  • Đối với nguồn truyền nhiễm

Những trường hợp vàng da mới được chẩn đoán thì đã là phát hiện muộn, đến lúc dó bệnh nhân đã đào thải một lượng lớn HAV theo phân từ nửa cuối thời kỳ ủ bệnh trước đó. Khi đã có xuất hiện những trường hợp vàng da đầu tiên, thì tất cả những trẻ nhỏ xung quanh đều phải nghĩ đến viêm gan khi chúng bị sốt, mệt mỏi, biếng ăn, chán ăn, có thể có buồn nôn hoặc nôn, tiêu hoá kém, bụng ậm ạch khó chịu, hay quấy khóc, và chúng phải được cách ly chăm sóc.

Có rất nhiều trường hợp xung quanh bệnh nhân bị nhiễm song không có vàng da, nhất là ở trẻ nhỏ, chỉ có thể phát hiện được bằng xét nghiệm chức năng gan, và tìm kháng thể kháng HAV trong huyết thanh. Kháng thể IgM anti-HAV xuất hiện sớm khi bệnh mới xảy ra ở thời kỳ cấp tính (xét nghiệm huyết thanh cao hơn nữa) và còn tồn tại 4-6 tháng sau khi bệnh phát. Hiện này virut HAV và kháng thể anti-HAV được phát hiện bỡi kỹ thuật xét nghiệm miễn dịch phóng xạ (RIA) hoặc miễn dịch gắn enzym (ELISA)

Tất cả các trường hợp có vàng da cũng như các trường hợp nghi ngờ này đều phải được cách ly và xử lý phân. Người ta cho rằng sau khi có rối loạn chức năng gan thì kháng thể kháng HAV cũng tăng dần trong huyết thanh và lượng virut HAV sẽ giảm dần nhanh trong phân, trong bình một tuần sau khi xuất hiện vàng da thì không còn là thời gian cách ly nữa, ở trẻ rất nhỏ thời gian này có thể dài hơn

  • Đối với đường truyền nhiễm

Vệ sinh ăn uống là rất cần thiết. Ăn chín uống sôi. Đặc biệt chú ý đến các thức ăn không chín ; rau xà lách rửa phải nước bị nhiễm, hoặc ngay cả thức ăn chín nhưng lại chế biến, bày biện, trình bày bằng tay bẩn nhiễm virut HAV.

  • Đối với khối cảm nhiễm

Hiện nay người ta đang sử dụng vaxin viêm gan A bất hoạt, đó là một loại vaxin an toàn, tạo được miễn dịch, có hiệu quả bảo vệ 3-4 tuần sau khi tiêm một liều vaxin duy nhất. Vaxin thường được tiêm cho những người đến những vùng dịch lưu hành. Tuy nhiên vacxin viêm gan A bất hoạt chỉ bảo vệ được cơ thể trong một thời gian ngắn, từ 3 đến 10 năm, trung bình là 5 năm, nhưng hiệu quả bảo vệ cũng không cao.

Hiện nay, người ta đang phấn dấu nghiên cứu vacxin HAV sống giảm dộc lực mong tạo được miễn dịch lâu dài với một liều duy nhất. Và hơn nữa, với công nghệ hiện nay, người ta cho rằng có thể tạo ra được vacxin tái tổ hợp khắc phục được các hạn chế của vacxin HAV hiện có. Có thể dùng serum miễn dịch để bảo vệ.

Nói chung, công tác phòng chống dịch bao gồm một số biện pháp sau:

  1. Giáo dục y tế: giữ gìn vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, giữ gìn bàn tay sạch, ăn thức ăn chín.
  2. Xử lý phân người, rác và nước thải
  3. Cung cấp, bảo quản nước ăn uống, nước rửa hợp vệ sinh
  4. Kiểm tra nhân viên phục vụ ăn uống công cộng
  5. Riêng ở trong các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ, tất cả các biện pháp phòng bệnh phải được áp dụng và duy trì lâu dài.
  6. Vệ sinh các cơ sở ăn uống, chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống phải được cải thiện, kiểm tra đảm bảo các điều kiện vệ sinh, loại trừ triệt để khả năng nhiễm phân và nguồn nước nhiễm bẩn vào thực phẩm.
0/50 ratings
Bình luận đóng